Dân Việt

Cán bộ nói lắp, ngọng sẽ thiếu tự tin với phát ngôn của chính mình

Thành An 05/10/2017 15:53 GMT+7
Cán bộ nói ngọng, nói lắp đôi khi khiến người ta hiểu sai và có thể dẫn đến những áp lực về mặt tâm lý với cả người nói, người nghe và cũng có những áp lực, thiếu tự tin với chính việc phát ngôn của mình.

Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa trình UBND Hà Nội dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội.

Theo dự thảo về quy chuẩn phát ngôn của cán bộ, công chức Hà Nội quy định những cán bộ, công chức không được phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, trang cá nhân.

Đáng chú ý, dự thảo cũng quy định cán bộ, công chức phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương, tuyệt đối không nói trống không, cộc lốc.

Trao đổi với Dân Việt, TS Nguyễn Ánh Hồng - Trưởng Khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, những quy chuẩn mới đây về việc chuẩn mực phát ngôn là tương đối phù hợp. Nếu được áp dụng vào thực tế thì việc giữ gìn tiếng Việt trong sáng sẽ được phát huy.

Bên cạnh đó, những quy tắc này sẽ góp phần chấn chỉnh và xây dựng lối sống của cán bộ, công nhân, viên chức. Đặc biệt, góp phần ngăn chặn cách nghĩ của một số người lạm dụng cái dân chủ một cách quá trớn, nhất là môi trường mạng xã hội.

“Mỗi cá nhân khi phát ngôn trên bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng nào, kể cả truyền thông mạng, đều phải có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân với phát ngôn của mình”, TS Hồng nói.

img

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa trình UBND Hà Nội dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội.

Liên quan đến việc quy tắc quy định công chức phải hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương, TS Hồng cho rằng, những người thuộc phạm vi của quy chuẩn này phải có sự điều chỉnh, tập luyện lại để tránh việc nói ngọng, nói lắp.

Bởi việc nói ngọng, nói lắp đôi khi khiến người ta hiểu sai và có thể dẫn đến những áp lực về mặt tâm lý với cả người nói và người nghe. Bản thân người cán bộ mà nói ngọng, nói lắp cũng có những áp lực, thiếu tự tin với việc phát ngôn của mình.

“Về cơ bản, tôi rất đồng tình với những quy chuẩn này nhằm mục đích xây dựng hình ảnh, văn hóa giao tiếp, văn hóa công sở, văn hóa ứng xử và tạo nên các chuẩn mực về văn hóa”, TS Hồng tóm lại.

Đồng quan điểm, bà Vũ Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (TT DVVL)Hà Nội cho rằng, quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, người lao động là tương đối cần thiết, bởi điều này sẽ giúp làm đẹp hình ảnh của những người phục vụ, thường xuyên giao tiếp với nhân dân.

“Khi đề ra những quy chuẩn, những cán bộ, công chức sẽ không phát ngôn tùy tiện, bày tỏ quan điểm phiến diện trên mạng xã hội, không nóng giận… vì khi người ta nóng giận hoặc mất bình tĩnh có thể sẽ có những lời lẽ không hay, chưa thấu đáo…” – bà Liễu nói.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc TT DVVL Hà Nội cho rằng, về việc quy định, ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn cần đảm bảo dễ nghe, dễ hiểu, hạn chế nói ngọng, nói lắp, sử dụng ngôn ngữ địa phương… chỉ có thể hạn chế chứ không nên cấm.

“Nếu cấm là rất khó cho cán bộ, công chức, viên chức… đặc biệt là những người thường xuyên giao tiếp với công dân. Bởi giọng nói của nhiều người đã ngấm vào người ta rất lâu, thay đổi không chỉ ngày một ngày hai mà được”.

Liên quan đến những quy chuẩn phát ngôn, trao đổi với Dân Việt, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết: "Những quy định này là dự thảo để lấy ý kiến nhân dân, ý kiến cộng đồng. Chúng tôi sẽ tập hợp và tiếp thu các ý kiến đóng góp để bộ quy tắc được hoàn thiện hơn, tạo nên hình ảnh người cán bộ gần gũi trước nhân dân".