Thưa ông, người dân nếu muốn hiến mô, tạng cần những điều kiện gì, quy trình thế nào?
- Hiện nay, nước ta đã ban hành Luật Hiến mô tạng, đồng thời Bộ Y tế và Bộ Tư pháp cũng đã có những văn bản quy định cụ thể. Trước hết, người hiến cần phải có đơn cam kết tình nguyện, sau đó cần phải có ý kiến đồng ý về phía gia đình và xin xác nhận của chính quyền và cơ quan công an nơi thường trú. Sau khi hoàn tất các thủ tục này, bệnh viện tiến hành làm xét nghiệm, chẩn đoán xem bộ phận hiến có hợp với người nhận không.
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết |
Những người hiến xác để phục vụ cho nghiên cứu khoa học thì liên hệ với Trường ĐH Y Hà Nội, những người có mong muốn hiến mô, tạng sống thì liên hệ với Trung tâm Hiến tạng của BV Việt -Đức để được tư vấn cụ thể. Tuy nhiên, trung tâm chỉ có trách nhiệm tư vấn miễn phí cho những người có nhu cầu hiến tạng chứ không có nhiệm vụ tư vấn cho các trường hợp có ý muốn trao đổi mua bán.
Người hiến mô, tạng có quyền lợi gì?
- Để đảm bảo quyền lợi cho người hiến mô, tạng, ngành y tế nói chung và bệnh viện nói riêng sẽ có trách nhiệm thực hiện chăm sóc hết mức. Đối với những người hiến một phần mô, tạng thì sẽ được cấp thẻ BHYT, trong trường hợp người hiến gặp phải các bệnh ngoại khoa, liên quan đến những phần đã hiến tặng thì bệnh viện sẽ lo chăm sóc sức khoẻ đầy đủ, chu đáo. Riêng đối với những người hiến mô, tạng chết não, không thể cứu sống được thì bệnh viện sẽ làm thủ tục tâm linh để gia đình người hiến yên tâm.
Nhiều người lo sợ bởi sự trục trặc kỹ thuật và những vấn đề tâm linh nên không muốn người thân hiến mô, tạng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Theo chúng tôi, hiện nay người chết não, để lại một phần mềm cơ thể mình cho người khác là việc làm hợp đạo lý và mặt tâm linh cũng không có vấn đề gì. Bởi không riêng gì Việt Nam, các quốc gia theo đạo Phật cũng cho rằng đấy là một nghĩa cử cao đẹp. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam vấn đề hiến mô, tạng vẫn chưa được người dân hiểu đúng, do vậy số ca hiến ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.
Minh Nguyệt (thực hiện)