Dân Việt

35% lao động tự do muốn tham gia bảo hiểm xã hội

Minh Nguyệt 08/10/2017 06:29 GMT+7
Tin vui này được đưa ra tại hội thảo “Một số vấn đề về việc làm và tiếp cận chính sách liên quan của lao động phi chính thức ở Việt Nam” trong ngày 6.10. Tuy nhiên, nhiều lao động cho biết vẫn chưa tiếp cận được với bảo hiểm xã hội (BHXH).

Lao động muốn điều chỉnh mức đóng

Trong buổi hội thảo, Viện Khoa học - Lao động và Xã hội đã công bố một nghiên cứu khảo sát lao động phi chính thức tại 2 tỉnh, thành là Hà Nội và Nghệ An. Bà Nguyễn Thu Nga – Giám đốc Trung tâm Nâng cao dân số, lao động việc làm (Viện Khoa học lao động và xã hội) – Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, hầu hết lao động phi chính thức làm việc theo thỏa thuận, không có hợp đồng lao động.

img

Chỉ có 0,2% lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện (ảnh minh họa). Ảnh: Minh Nguyệt 

"Hiện nay, mức đóng BHXH cũng linh hoạt, phù hợp với kinh tế của người lao động. Đặc biệt, lao động thuộc diện hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 30%, người cận nghèo được hỗ trợ 35% và đối tượng khác được hỗ trợ 10%. Mặc dù mức hỗ trợ này còn thấp nhưng là nỗ lực rất lớn của các cơ quan nhà nước nhằm giúp họ gia nhập thị trường BHXH”. 

Bà Nguyễn Thị Hà –
Vụ Bảo hiểm xã hội
(Bộ LĐTBXH)

Phần lớn người lao động, cán bộ cho rằng, thủ tục tham gia BHXH là đơn giản thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thủ tục chất lượng dịch vụ, tư vấn chế độ của BHXH tự nguyện còn chưa tốt bằng các loại bảo hiểm khác… Có đến 35% người lao động phi chính thức muốn tham gia trong thời gian tới. Có 10% người lao động mong muốn điều chỉnh mức đóng, thời gian đóng hay tăng chế độ hưởng BHXH (không chỉ dừng 2 chế độ hưu trí, tử tuất...) như hiện nay.

Nhiều người kỳ vọng về mức đóng cao hơn gấp 3 lần, trung bình hơn 400.000 đồng/tháng (thay vì 154.000 đồng/tháng). Quan trọng nhất, khâu tuyên truyền chưa thuyết phục nên những lao động không hiểu chưa tham gia. Đặc biệt, có khoảng 56% lao động không tham gia BHXH kể cả khi có thay đổi về chính sách thực hiện. Nguyên nhân bởi họ có tuổi đời khá cao, không đủ thời gian đóng, cũng như các chế độ hưởng BHXH quá ít.

Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đưa khuyến nghị, thời gian tới Việt Nam nên tăng sự chuyển dịch cho lao động phi chính thức sang chính thức; thúc đẩy đào tạo nghề nhằm tự tạo việc làm gắn kết giữa đào tạo và tạo việc làm. 

“Nên bổ sung thêm các chế độ của BHXH tự nguyện như thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất. Bên cạnh đó, đổi mới nâng cao chất lượng tiếp cận đối tượng trong việc thu – chi BHXH tự nguyện, học tập mô hình bảo hiểm thương mại” – bà Nga nói.

Tăng hỗ trợ cho lao động

Ông Phillippe Marcadent – Giám đốc Chương trình Việc làm phi chính thức của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho rằng, cần có nhiều chính sách cùng tác động để chuyển dịch lao động phi chính thức. Muốn vậy, cần phải can thiệp đa chiều thúc đẩy chính thức hoá doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; tăng hỗ trợ cho lao động khi tham gia BHXH tự nguyện.

img

“Có quá nhiều rào cản để mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện trong nhóm lao động phi chính thức tại Việt Nam. Cần phải giải quyết được những vấn đề này nếu muốn lao động tham gia BHXH tự nguyện” – ông Marcadent nói.

Riêng lao động phi chính thức làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chuyên gia của ILO cũng cho rằng cần phải đưa lao động này vào diện bao phủ của pháp luật về lao động và an sinh xã hội. Tính toán các khoản thu phù hợp với hoàn cảnh của lao động nông nghiệp, nông thôn do tính chất công việc có thu nhập thấp và không thường xuyên nên tiền công lao động thấp. 

Ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH) thừa nhận thời gian qua dù có nhiều nỗ lực, hoàn thiện chính sách, cũng như thực hiện các tuyên bố về chuyển dịch lao động trong khu vực ASEAN nhưng quá trình chuyển dịch lao động ở Việt Nam còn chậm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ bao phủ BHXH ở Việt Nam chưa cao, trong đó có việc người lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện quá thấp.

Trước đó, công bố lao động phi chính thức năm 2017 tại Việt Nam được Tổng cục Thống kê  công bố cho thấy, hơn 70% lao động Việt Nam làm việc ở lĩnh vực phi chính thức, nhưng chỉ 0,2% tham gia BHXH.