Giành lại sự sống gang tấc
Ngày 27.9.2017, tại khoa sản bệnh, bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM, khuôn mặt còn phảng phất nét mệt mỏi nhưng chị N.T.T., 34 tuổi, ngụ tại quận 12, TP.HCM, vẫn nói chuyện rành rọt: “Chiều 24.9, tôi trở dạ và vào một bệnh viện gần nhà sanh, nhưng do chờ lâu nên tôi xin chuyển lên tuyến trên. Lúc vào đây tôi bình thường, nhưng không lâu sau tôi không biết gì nữa”.
Chị N.T.T, 34 tuổi, ngụ tại quận 12, TP.HCM, vừa được cứu sống sau một ca thuyên tắc ối.
Chị T. mê man gần một ngày, nhưng nếu chứng kiến những gì xảy ra trong thời gian đó, chắc hẳn chị không thể tin được mình vừa thoát chết trong gang tấc, và người giành lại sự sống cho chị chính là các y, bác sĩ bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Theo ghi chép của bệnh viện, khoảng 20 giờ chị T. được chuyển vào phòng sanh với tình trạng chuyển dạ hoạt động, ối vỡ còn màng giờ thứ ba. Nhưng ngay khi bước vào cuộc sanh, chị đột nhiên khó thở và tím tái toàn thân.
Nhận định đây là một ca thuyên tắc ối, êkíp trực lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện. BS.CK1 Võ Doãn Mỹ Thạnh, trưởng khoa sản thường, bệnh viện Nhân dân Gia Định, và cũng là trưởng tua trực hôm đó, nhớ lại: “Chỉ sau hai phút, đội cấp cứu nội viện có mặt để tiến hành đặt nội khí quản và hồi sức tim, phổi bệnh nhân. Chúng tôi quyết định vừa hồi sức vừa phẫu thuật để cứu mẹ, con”.
Đó là cuộc chạy đua giành giật sự sống, nhưng trong thuyên tắc ối “giờ vàng” để có thể giúp mẹ thoát tử vong chỉ vỏn vẹn 5 phút, không phải vài giờ như cấp cứu đột quỵ não hay nhồi máu cơ tim cấp.
BS Thạnh nói: “Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) thuyên tắc ối là cấp cứu sản khoa đặc biệt, xảy ra cho 1/20.000 – 1/30.000 ca sanh. Tử vong mẹ trong giai đoạn 1 lên đến 70 – 90%, còn giai đoạn 2 là 40 – 50%, nhưng không chỉ mẹ mà con cũng bị đe doạ tính mạng. Thuyên tắc ối diễn tiến rất nhanh, phức tạp, đặc trưng bởi sự tắc mạch phổi đột ngột, sốc và đông máu nội mạch lan toả ở sản phụ”.
Vì điều này mà những yêu cầu đặt ra để cấp cứu chị T. là hồi sức tích cực; mổ bắt con; đề phòng băng huyết sau sanh, mất máu và rối loạn đông máu. Gần 20 nhân viên, trong đó có tám bác sĩ thuộc các khoa sản, hồi sức cấp cứu, phòng mổ, ngân hàng máu, bệnh lý sơ sinh… được huy động.
Nỗ lực giành giật sự sống có kết cục tốt đẹp không ngờ. Lúc 20 giờ 17 phút, bác sĩ bắt ra được một bé gái nặng 3,4kg, tim còn đập và chuyển về khoa bệnh lý sơ sinh điều trị. Trong khi đó mẹ được điều trị nội khoa, bồi hoàn máu thiếu (tổng cộng 18 đơn vị máu các loại), phối hợp với biện pháp ngoại khoa đề phòng băng huyết sau sanh, mất máu, rối loạn đông máu, giúp tử cung gò tốt và tránh cắt bỏ tử cung.
Hiệu quả cao với quy trình báo động đỏ
25 năm làm việc trong lĩnh vực sản khoa và từng chứng kiến khoảng mười ca thuyên tắc ối, nhưng với BS Võ Doãn Mỹ Thạnh, trường hợp của chị T. có lẽ làm bà nhớ mãi: “Khi bắt bé ra ngoài thấy tim bé còn đập, chúng tôi vui mừng kinh khủng và còn vui hơn nữa khi sản phụ không bị suy gan, suy thận và bảo toàn được tử cung”.
Còn nhớ cách đây vài năm, khi cả nước rộ lên hàng loạt ca sản phụ tử vong do thuyên tắc ối, ngành y tế phải hứng chịu một áp lực rất lớn từ xã hội. Khi đó, một bác sĩ kỳ cựu làm việc tại bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, chia sẻ: “Trong sản khoa, ai cũng sợ thuyên tắc ối, vì hậu quả nặng nề mà lại không thể đoán trước hay dự phòng được”.
Theo giới chuyên môn, thuyên tắc ối xảy ra khi dịch ối và những tế bào thai nhi (tóc, phân su…) đi vào hệ tuần hoàn người mẹ gây ra phản ứng dị ứng, khiến mẹ suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính.
Có mặt chăm sóc vợ trong những ngày này, anh Q.T, tài xế xe khách, cho biết không nói hết được sự cảm kích của mình và gia đình dành cho tập thể y, bác sĩ bệnh viện. Anh cho biết mình cũng lên mạng tìm hiểu và biết rằng thuyên tắc ối rất nguy hiểm, mẹ và con rất khó qua, vậy mà không ngờ những người thân của anh vẫn đầy đủ.
Chiều ngày 1.10, tại khoa nội thần kinh bệnh viện Nhân dân Gia Định, nơi chị T. đang được theo dõi tiếp một số vấn đề về thần kinh, anh T. vui mừng cho biết đứa con mới chào đời của gia đình rất khoẻ mạnh và được y bác sĩ chăm sóc rất chu đáo. Anh khoe: “Mỗi cữ nó bú được 80ml và một ngày bú được tám cữ”. Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, giám đốc bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết quy trình cấp cứu khẩn cấp trong bệnh viện vẫn có từ trước đến nay, nhưng từ khi sở Y tế TP.HCM nâng cấp thành quy trình “báo động đỏ”, tính chuyên nghiệp được nâng cấp rõ ràng và hiệu quả cũng tăng lên rất nhiều.
Không chỉ hiệu quả với báo động đỏ nội viện, bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng triển khai hiệu quả báo động đỏ liên viện, khi hỗ trợ những bệnh viện bạn khi có nhu cầu. Tháng 9.2016, bệnh viện quận 2 tiếp nhận một ca tai nạn lao động điện giật, nạn nhân bị ngưng tim, ngưng thở kèm đa chấn thương và vỡ gan. Ngay sau khi bệnh viện này kích hoạt “báo động đỏ liên viện” nhờ bệnh viện Nhân dân Gia Định “giải cứu”, chỉ trong vòng 20 phút, êkíp bệnh viện tuyến trên đã có mặt và kịp thời tham gia cấp cứu thành công.
Thành công của cả tập thể BS Võ Doãn Mỹ Thạnh cho biết, ca cấp cứu thành công là sự hội tụ của nhiều yếu tố từ việc bệnh nhân được nhập viện kịp thời, sự phối hợp ăn ý của mọi thành viên, trình độ chuyên môn và chuyên nghiệp hoá cao độ của mọi người, chủ trương đúng của bệnh viện trong xây dựng quy trình báo động đỏ và cả sự may mắn. |