Sướng như mua, bán dưới lòng đất
Sense Market là khu chợ thương mại dưới lòng đất đầu tiên của TP.HCM. Tuy mới đưa vào hoạt động từ tháng 3.2017 nhưng đã thực sự trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều người. Giờ, có mặt tại Sense Market, nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ trước việc khách nườm nượp vào, ra ăn uống, mua sắm, gửi xe để đi dạo phố đi bộ Bùi Viện (liền kề). “Toạ lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất của TP.HCM – khu B công viên 23.9, bên cạnh phố đi bộ Bùi Viện, quận 1 – nên việc Sense Market trở thành điểm đến của người dân thành phố và du khách là không khó”, anhThanh, người thường xuyên dẫn gia đình ghé lại đây ăn uống, mua sắm sau đó dạo chơi phố đi bộ Bùi Viện đầy màu sắc, phân tích.
Ngôi chợ dưới lòng đất đầu tiên ở quận 1, Sense Market đang ngày càng đông khách mua sắm và tham quan.
Một ưu điểm khác là hầm giữ xe nằm cạnh trung tâm thương mại, giúp du khách có thể dễ dàng trong việc di chuyển mà không phải đi bộ quá xa. “Nói thật giá gửi xe ở đây có tăng gấp đôi thì người đi xe máy, ôtô vẫn gửi nếu đủ chỗ”, chị Mai, vợ anh Thanh, khẳng định và so sánh: so với các trung tâm thương mại ở trung tâm thành phố, thì Sense Market dần chiếm ưu thế là vì sáng, trưa hay chiều tối nơi đây đều mát lạnh… Nói chung, mọi thứ tiện lợi vô cùng. Chẳng thế mà chị Mai chia sẻ, cả nhà chị một tuần ghé nơi này ít nhất là hai lần.
Đặc biệt, theo chia sẻ của không ít các tiểu thương kinh doanh ở khu vực dưới lòng đất này thì việc kinh doanh cũng ổn vô cùng. Chị Hoá, chủ một cửa hàng quần áo tại đây, so sánh trước kia, chị có một quầy hàng tại Saigon Square buôn bán không mấy đắt khách thì nay, khi chuyển qua trung tâm thương mại ngầm đầu tiên này, hàng hoá cũng bán chạy hơn vì lượng khách ghé đến ngày càng nhiều. Đặc biệt, giá thuê mềm hơn, nên chị Hoá cho rằng mình may mắn khi được “lạc nghiệp” tại đây.
Kết thúc buổi trò chuyện, chị Hoá nói chắc nịch: kinh doanh dưới lòng đất – tức các khu trung tâm thương mại kèm bãi đậu xe dưới lòng đất – là một địa chỉ hái ra tiền, nếu khai thác đúng tiềm năng và thế mạnh của nó. Vậy mà không biết tại sao chính quyền TP.HCM lại chậm trong chuyện này, trong khi các nước trên thế giới thì khai thác triệt để.
Biết nhưng vẫn… dè chừng!
Sở Quy hoạch – kiến trúc (QHKT) TP.HCM, thừa nhận trước yêu cầu phát triển thành phố văn minh, hiện đại và nhu cầu xây dựng ngày càng cao tại các khu vực trung tâm thành phố và nội thành, cùng với sự khan hiếm diện tích đất xây dựng thì việc phát triển không gian ngầm, cũng như việc tiến hành xây dựng ngày càng nhiều hơn các công trình ngầm là một đòi hỏi tất yếu.
Tuy vậy, sở QHKT TP.HCM lại lo lắng là công trình ngầm có thể gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến địa chất, thuỷ văn và các công trình trên mặt đất. Yêu cầu chung được đặt ra là khai thác không gian ngầm để tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị, nhưng hệ thống đó phải bền vững, thích ứng, hài hoà với điều kiện tự nhiên và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Do vậy, việc này đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ khâu quy hoạch, để có các dự báo và định hướng sử dụng đất phù hợp với tình hình phát triển tương lai của đô thị. “Quy hoạch trên mặt đất đã khó rồi, nay quy hoạch dưới đất còn khó hơn, vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc quy hoạch không gian ngầm. Do đó, phải thận trọng”, một chuyên gia cho biết.
Cuối cùng, sở này cho hay, hiện đơn vị đã trình UBND TP.HCM đề cương nhiệm vụ về quy hoạch không gian ngầm. Sau khi thành phố có ý kiến, sở sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, thậm chí là ý kiến của người dân để hoàn thiện đề cương. Tiếp đó là khâu khảo sát thu thập số liệu không gian ngầm, khâu này rất quan trọng, số liệu chính xác thì mới có quy hoạch tốt được. Rồi đến hoàn thiện đề cương trình thành phố phê duyệt. Theo đề cương, khu vực ưu tiên quy hoạch không gian ngầm hiện nay là khu trung tâm thành phố, đặt biệt là khu vực Thủ Thiêm.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, ở Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng quy hoạch đô thị diễn ra muộn hơn, chưa có kế hoạch sử dụng đất hợp lý dẫn đến tình trạng thiếu quy củ, lộn xộn và thiếu trầm trọng các khu không gian mở và đất giao thông. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng ngầm là việc làm cấp thiết để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, cải thiện cảnh quan, giảm áp lực trên mặt đất và có thêm nguồn thu cho ngân sách. Cụ thể, TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn Chính phủ cho rằng tại TP.HCM, việc phát triển không gian ngầm đã đặt ra từ lâu, nhưng vướng quy định về tài nguyên dưới mặt đất, đóng thuế như thế nào… nên mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. Từ đây, ông Lịch đề nghị sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển không gian ngầm. “Việc phát triển các bãi giữ xe, trung tâm mua sắm, siêu thị ngầm ở thành phố là chuyện không thể dừng. Nhà nước hãy tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vì đây sẽ là nơi chia lửa cho mặt đất, nhất là khu trung tâm thành phố đang quá tải mặt bằng”, ông Lịch nhấn mạnh.
Tương tự, TS Nguyễn Hữu Nguyên khẳng định: hầu hết các thành phố lớn trên thế giới giờ đã có trung tâm thương mại ngầm, kết hợp với các công trình công cộng hiện đại để phát triển thương mại, thu hút khách du lịch, tiết kiệm quỹ đất... Phải làm nhanh vào, chứ cứ khổ với khó hoài, không giải quyết được vấn đề.