Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước đỉnh triều tại vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai đang ở mức cao và sẽ tiếp tục lên nhanh trong những ngày tới. Dự báo mực nước đỉnh triều cao nhất tại các trạm Phú An, Nhà Bè sẽ rơi vào các ngày 8 và 9.10 (19-20 tháng Tám Âm lịch). Khi đó mực nước đỉnh triều có thể đạt mức từ 1,57 – 1,62m (vượt mức báo động III), đây là mực nước đỉnh triều cao nhất từ đầu năm 2017 đến nay.
Sau đó đỉnh triều có thể duy trì ở mức cao đến hết ngày 10.10. Thời gian xuất hiện đỉnh triều hàng ngày từ 5-7h và từ 17-19h. Trong khi đó thành phố cũng đang đối mặt với tình hình thời tiết bất lợi do mưa kết hợp triều cường gây ra. Những ngày qua tại khu vực liên tiếp có các cơn mưa lớn, dự báo trong những ngày tới thành phố sẽ tiếp tục có mưa, mưa rào và dông.
Nhiều khu vực tại thành phố có nguy cơ ngập nặng do triều cường. Ảnh: Hữu Ký
Do triều cường lên cao cùng ảnh hưởng của thời tiết nên có khả năng nhiều khu vực trũng thấp, ven kênh rạch tại TP.HCM như các quận 7, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức... có khả năng bị ngập nặng.
Để ứng phó với triều cường, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã đề nghị UBND các quận, huyện chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Riêng hồ thủy điện Trị An đang xả tràn cũng đã có phương án điều chỉnh lưu lượng xả để tránh ảnh hưởng đến người dân vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai. Ông Nguyễn Kim Phúc, Giám đốc Công ty thủy điện Trị An cho hay công ty đã giảm lượng nước xả điều tiết qua tràn từ 300 m3/s xuống 150 m3/s. Hiện tổng lưu lượng xả của hồ xuống hạ lưu chỉ còn 1.010 m3/s. Sau khi giảm xả tràn, tùy theo tình hình diễn biến của thời tiết công ty có thể thay đổi lượng nước xả qua tràn.
Thống kê của Sở GTVT TP.HCM cho biết trên địa bàn thành phố hiện còn 40 điểm ngập, trong đó có khoảng 7 điểm ngập do triều cường. Dự kiến, trong năm 2017 các cơ quan chức năng sẽ xóa khoảng 12 điểm. Để giải quyết ngập do triều, mới đây thành phố đã chỉ đạo các sở ngành phối hợp tạo điều kiện để chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM, có xét đến biến đổi khí hậu (còn gọi dự án chống ngập 10.000 tỷ). Thành phố chỉ đạo dự án này phải được đưa vào vận hành giai đoạn một trong dịp 30.4.2018.