Dân Việt

Người dân bất ngờ với băng rôn phản đối Grab, Uber

Hữu Ký 08/10/2017 17:59 GMT+7
Hành động dán khẩu hiệu phản đối Grab và Uber của các tài xế taxi truyền thống khiến nhiều người tỏ ra bất ngờ, đồng thời cho rằng việc này chẳng khác nào PR cho đối thủ.

Ngày 8.10, nhiều người đi đường tại TP.HCM ngạc nhiên khi thấy nhiều xe taxi của hãng Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Grab và Uber. Ở phần phía sau xe dán dòng chữ màu vàng với các khẩu hiệu: “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”. Trước chuyện lạ này của hãng taxi truyền thống, nhiều người dân không khỏi bất ngờ.

Bạn Lê Thanh Tâm (ngụ Q. Thủ Đức) cho biết đây là lần đầu tiên thấy các tài xế taxi phản đối Grab, Uber một cách lạ lùng như vậy. “Sáng nay đi đường thấy nhiều xe Vinasun dán các dòng chữ phản đối Grab, Uber. Trước giờ mình biết các hãng xe taxi truyền thống luôn phản đối taxi công nghệ nhưng không nghĩ rằng họ lại dán các băng rôn như vậy. Nếu cảm thấy Grab, Uber vi phạm thì nên đề nghị cơ quan chức năng xử lý chứ không nên đi bêu riếu người ta”.

img

Nhiều xe taxi Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber ngày 8.10 (Ảnh:A.X)

Còn chị Thu Thảo (nhân viên văn phòng tại Q.1) chia sẻ: “Không biết đây là hành động tự phát hay là có tổ chức. Nếu ai tư vấn cho các tài xế dán băng rôn phản đối Uber, Grab như vậy thì rõ ràng là phản tác dụng, không những không giải quyết được vấn đề, mà còn giúp PR cho Grab, Uber”.  

Tương tự, nhiều người cũng tỏ ra không hài lòng với hành động dán băng rôn phản đối đối thủ của hãng taxi Vinasun, cho đó là cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng để cạnh tranh được với Grab, Ueber, các hãng taxi truyền thống cần nâng cao chất lượng dịch vụ, cần đầu tư phát triển công nghệ… chứ không nên dán băng rôn phản đối trong khi Uber và Grab đã được cấp phép cho thí điểm hoạt động.   

Trả lời về việc này, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi thành phố, kiêm Phó tổng giám đốc hãng taxi Vinasun, cho biết đây là hành động tự phát của một số tài xế, do bức xúc về việc cạnh tranh không lành mạnh của Grab và Uber. Công ty không chỉ đạo các tài xế làm vậy. Ông Hỷ cho biết sẽ rà soát lại việc này. Còn đại diện hãng taxi Mai Linh cho biết không phát hiện trường hợp tài xế nào dán khẩu hiệu lên xe phản đối Grab, Uber. Chủ trương của hãng là không cho các tài xế hành động phản đối đối thủ bằng các băng rôn trên xe.

Trước hành động này của các tài xế Vinasun, đại diện Grab và Uber vẫn chưa lên tiếng.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Thái Văn Chung, Giám đốc hãng luật Nguyên Giáp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay việc các tài xế Vinasun dán các băng rôn phản đối Uber, Grab thuộc về cách ứng xử giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Hành vi của các tài xế dán băng rôn phản đối Uber và Grab không được xem là vi phạm pháp luật, bởi trong Luật Cạnh tranh 2004 chưa quy định cụ thể về hành vi này. Tuy nhiên với tư cách là người gắn bó nhiều năm với các doanh nghiệp vận tải (từng là Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM), luật sư Thái Văn Chung cho rằng doanh nghiệp nên cân nhắc, không nên có hành động phản đối như vậy. Thay vào đó, nên đề nghị dừng thí điểm hoạt động của Uber, Grab gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý.  

Theo Quyết định 24 của Bộ GTVT, có 7 đơn vị được phép thí điểm ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải. Trong đó bao gồm Công ty TNHH Grabtaxi (Grabcar), Công ty cổ phần vận tải 57 Hà Nội (Thanhcong Car), Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mailinh Car), Công ty hợp tác đầu tư và phát triển (Home Car), Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber), Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Linh Trang (LB.Car), Công ty cổ phần phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car). Hoạt động thí điểm này được phép thực hiện đến tháng 1.2018. 

Tuy nhiên trong thời gian qua hoạt động thí điểm của Uber, Grab tại TP.HCM và Hà Nội bị các hãng taxi truyền thống phản đối quyết liệt bởi cho rằng đây là cạnh tranh không lành mạnh.