Dân Việt

Bi kịch của người đàn bà xấu xí, chết còn bị chồng ướp xác trưng bày để… thu tiền

Nhật Linh 09/10/2017 18:30 GMT+7
Mang dáng vẻ kỳ quái, Julia Pastrana lại được biết đến là một phụ nữ tài năng. Nhưng từ khi mới sinh cho đến khi chết, bà chưa bao giờ có một ngày hạnh phúc.

Julia Pastrana sinh ra ở miền Tây Mexico vào năm 1834. Ngay từ khi mới chào đời, Julia đã bị ảnh hưởng bởi một hội chứng đột biến gen di truyền khiến khắp cơ thể đều bị bao phủ bởi một lớp lông dày. Không những thế, bà còn bị bệnh tăng sản về nướu khiến cho lợi và môi rất dày và hàm trước nhô ra.

Người làng đã đưa ra nhiều lời đàm tiếu, thậm chí còn có người coi Julia là “Quái vật duy nhất của thế giới”.

img

Bà có khuôn mặt của một con khỉ

Cuối cùng, hai mẹ con Julia đã phải chạy trốn khỏi bộ lạc của mình và ẩn nấp trong một hang động trong núi. Sau đó, một người chăn bò đã phát hiện và đưa họ đến gần thành phố để bắt đầu lại cuộc sống. Sau khi mẹ mất, Julia đã được gửi đến một trại trẻ mồ côi và sống ở đó cho đến năm 20 tuổi.

Từ “người quái dị” đến ca sĩ nổi tiếng

Cuộc đời Julia Pastrana bắt đầu sang trang mới kể từ năm 1854, khi ấy bà tham gia một buổi biểu diễn đường phố ở Gothic Hall trên đường Broadway. Mặc trên mình bộ váy đỏ, hát các bài hát dân gian Tây Ban Nha, bà khiến đám đông phấn khích. Họ công nhận bà có chất giọng tuyệt đẹp, nó trái ngược hoàn toàn với vẻ ngoài xấu xí.

img

Julia Pastrana trong một trang phục biểu diễn thế kỷ 19

Kể từ đó, bằng vẻ ngoài quái dị cùng giọng hát tuyệt vời của mình, Julia đã gây được tiếng vang lớn. Ở độ tuổi 20, bà đã được người quản lý của mình là ông Theodore Lent - một ông bầu rạp xiếc người Hoa Kỳ, đưa đi lưu diễn khắp nước Mỹ. Và liên tiếp đó là những buổi biểu diễn ở Anh, Nga và Đức. Sau một vài lần, khắp mặt báo đã in hình Julia. Bà cũng kiếm được rất nhiều tiền cho mỗi buổi biểu diễn.

img

img

Sau một vài lần, khắp mặt báo đã in hình Julia

Kết hôn với người chồng vô nhân tính

Khi trở nên nổi tiếng, bất chấp vẻ ngoài xấu xí, nhiều người đàn ông vì nể phục tài năng đã cầu hôn bà Julia. Lúc này, ông Theodore nhận ra rằng nếu không muốn đánh mất "kho báu" thì chỉ còn cách là chính mình phải lấy Julia.

Chính vì thế vào năm 1857, Theodore cầu hôn Julia và họ cưới nhau ngay sau đó. Nhưng cuộc sống của bà từ đây là chuỗi ngày đau buồn. Julia bị đối xử như một món hàng, bà bị vắt kiệt sức cùng vô số buổi biểu diễn.

img

Đám cưới của Julia và Theodore

Julia bị chính chồng mình quảng cáo trên các tấm áp phích là con lai giữa vượn với khỉ nhằm thu hút sự chú ý của công chúng. Thậm chí hắn còn thuê nhiều bác sĩ đến để kiểm chứng và đưa tiền cho họ nhằm đưa ra những xác nhận sai lầm.

Tháng 8.1859, bà Julia phát hiện mình có thai với Theodore. Tháng 3.1860, sau một ca sinh khó, con trai đầu lòng của Julia đã ra đời và mang trên mình đầy lông lá giống như mẹ. Tuy nhiên đứa trẻ chỉ sống được 35 giờ đồng hồ. Năm ngày sau đó, Julia cũng qua đời vì quá yếu.

img

Julia bị đối xử như một món hàng

Khi chết bị ướp xác rồi mang đi trưng bày khắp nơi

Tưởng chừng như cái chết sẽ kết thúc cuộc đời bất hạnh của Julia nhưng trớ trêu thay, Theodore đã bán thi thể của bà và đứa con trai cho một vị giáo sư thuộc trường ĐH Moscow. Vị này đã mổ tử thi rồi ướp xác họ để trưng bày trong bảo tàng của trường ĐH, nơi họ có thể thu hút được nhiều khách tham quan nhất.

Nghe tin xác ướp của Julia và con trai thu hút được sự quan tâm của nhiều người, Theodore đã lợi dụng sự phẫn nộ của công chúng, kiện lên tòa án để có thể mang thi thể bà quay về. Năm 1862, xác Julia được Theodore đưa về Anh và một lần nữa bị đem ra trưng bày tại các buổi triển lãm.

img

 Sau khi chết, thân xác của bà bị người chồng lợi dụng

Năm 1884, Theodore qua đời nhưng xác ướp hai mẹ con bà vẫn tiếp tục được trưng bày tại các buổi triển lãm, cho đến năm 1976 thì bị trộm đánh cắp ở Na Uy. Sau đó, cảnh sát đã tìm lại thi thể cô trong thùng rác nhưng một cánh tay đã bị gãy, còn thi thể đứa con không còn nguyên vẹn.

Yên nghỉ sau hơn 1 thế kỷ

Đến năm 1990, thi thể của Julia được Học viện pháp lý y khoa Na Uy mua lại, trưng bày như một lời nhắc nhở sinh viên về lòng trắc ẩn và ý thức đạo đức.

Vào tháng 2.2013, với sự giúp đỡ của chính quyền Na Uy, xác của Julia đã được chôn cất tại nghĩa trang ở Sinaloa de Leyva, một thị trấn ở gần nơi cô sinh sống trước đây.

img

img

Sau bao nhiêu năm, thi thể của bà cũng được an táng trang trọng

Vậy là suốt hơn 150 năm trôi dạt, cuối cùng Julia cũng được trở về quê hương. Hàng trăm người tham dự lễ tang đã thể hiện lòng tiếc nuối cùng kính phục người phụ nữ bất hạnh này.