Dân Việt

Doanh nghiệp chưa khai thác được sức dân

12/10/2011 13:59 GMT+7
(Dân Việt) - “Các cơ chế chính sách của nền kinh tế sẽ là "kim chỉ nam” giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn lên để tồn tại. Chính vì vậy, chúng ta chỉ có thể giúp họ phần nào chứ không thể dạy khôn được họ”.

TS Trần Hữu Huỳnh - Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói trong cuộc trao đổi với Dân Việt.

Thưa ông, ông bình luận gì về "bức tranh doanh nghiệp" trong năm nay?

- Có thể nói đây là giai đoạn khó khăn nhất trong hàng mấy chục năm qua đối với doanh nghiệp (DN). Nhưng nó không phải là những khó khăn đột biến vì ít nhiều những khó khăn các DN đã phải trải qua tiếp nối trong nhiều năm.

img
Khai thác tối đa khả năng trong lĩnh vực chuyên sâu sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định trong tình hình hiện nay (ảnh minh họa).

Mỗi năm chúng tôi đều có những điều tra độc lập về tình hình của hàng nghìn DN VN. Những khó khăn về vốn, đất đai, nhân lực, hạ tầng cơ sở, thủ tục hành chính... DN đều đã gặp phải, song trong bối cảnh kinh tế thế giới lẫn trong nước có những khó khăn như hiện nay thì DN càng thấy khó gấp bội.

img
TS Trần Hữu Huỳnh - Phó Tổng Thư ký VCCI

Số DN giải thể trong 9 tháng đầu năm nay lên tới 49.000 DN, liệu có phải là do những hệ lụy của nền kinh tế như ông nói?

- Nếu nói nền kinh tế năm nay tạo những không thuận như lãi suất cao, thủ tục rườm rà, phí "bôi trơn" lớn, lạm phát tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến DN thì tất cả những điều này nhiều năm về trước các DN cũng đã gặp phải. Nhưng rõ ràng như tôi nói, năm nay là năm khó khăn đặc biệt nên không chỉ số DN giải thể ngày càng tăng mà số DN phá sản chúng ta cũng không tính được do vướng luật. Số DN còn tồn tại, cầm cự được thì tương lai cũng khá bấp bênh.

Không chỉ số DN giải thể tăng mà năm nay số DN đăng ký kinh doanh mới cũng giảm, đầu tư cả trong và ngoài nước giảm, có thể nói cơ hội kinh doanh của DN không có nhiều như trước đây, sự lạc quan của các nhà đầu tư mới vào nền kinh tế đã ít đi...

Ông có cho rằng trong bối cảnh khó khăn lúc này, các DN sẽ định hướng và vực lại được kinh doanh của mình theo hướng chuyên nghiệp hơn?

- Tôi cho chúng ta cần giúp DN, chứ không thể dạy khôn được họ. Rõ ràng, DN nào có bản lĩnh thì sẽ quay lại dựa vào lĩnh vực chuyên sâu của mình. DN của ta hiện đang quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng, trong khi vốn trong dân, sức trong dân lại chưa được huy động để đầu tư kinh doanh.

Hiện chúng ta có Luật DN được cho là thông thoáng, thị trường chứng khoán mở ra rất tốt nhưng quản lý chưa tốt. Thị trường chứng khoán lúc này chỉ mới là những cuộc mua đi bán lại theo phong trào, nhằm lợi nhuận trước mắt, sẽ càng khó cho DN trong bối cảnh khó khăn trong thu hút vốn của dân.

Theo ông, vậy chúng ta có thể “giúp” DN như thế nào?

- Năm nay và năm tới, các hàng rào kỹ thuật, trợ cấp, chống phá giá sẽ ngày một lớn, nên các DN xuất khẩu sẽ ngày càng khó khăn trong khi đây là "đường thoát" của DN chúng ta. Đầu tư nước ngoài giảm sẽ kéo theo các khó khăn về tỷ giá. Hiện chính sách của ta mới chỉ là hạ lãi suất cho DN.

Tôi cho rằng, các cấp, các ngành, DN phải tiếp tục thực thi chính sách cắt giảm các dự án đầu tư kém hiệu quả. Các chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách DN nhà nước, phân cấp đầu tư, quản lý... phải được thực thi một cách nghiêm túc, hiệu quả và có kiểm tra kiểm soát, không nên chỉ nêu lên như hiện nay.

img Có quá nhiều chính sách cho thị trường nông thôn, cho DN được đưa ra nhưng thực hiện chúng như thế nào thì chúng ta đến nay chưa tính hết được, gần như chưa biết sẽ ra sao... img

TS Trần Hữu Huỳnh

Để làm được nhiều điều này, phải bắt đầu từ đâu?

- Từ trong tư duy, phải lấy hiệu quả làm thước đo hàng đầu, hiệu quả là sức cạnh tranh của nền kinh tế, của từng DN, sản phẩm. Đã đến lúc, chính sách của Nhà nước nên hướng vào DN làm ăn hiệu quả như hạ lãi suất, tăng tín dụng cho khu vực nông thôn, trợ cấp ưu tiên cho các ngành có tiềm năng để có điều kiện bứt phá. Các dự án lãng phí đất đai, nguồn năng lượng phải xem xét lại, cùng với cân đối trong từng vùng miền để đem lại hiệu quả thực sự.

Xin cảm ơn ông!