Dân Việt

Khu đô thị, nhà máy “ăn dần” đất nông nghiệp

Trần Đáng 11/10/2017 06:30 GMT+7
Áp lực công nghiệp hóa, đô thị hóa ở nông thôn TP.HCM ngày càng rõ nét hơn khi nông dân đang bị mất dần đất với tốc độ nhanh hơn, dẫn đến thiếu đất canh tác.

Suốt mấy tháng qua, các thành viên HĐQT HTX Nông nghiệp Hiệp Thành (Nhà Bè) chạy đôn, chạy đáo sang huyện Cần Giờ tìm đất nuôi tôm do toàn bộ diện tích đất nuôi tôm của HTX trên địa bàn xã Hiệp Phước phải giao cho nhà đầu tư để xây dựng Khu đô thị cảng Hiệp Phước.

Hơn 1 tỷ dồng/ha đất nông nghiệp

Thấy đất quy hoạch Khu đô thị cảng Hiệp Phước đã lâu không sử dụng lại có lợi thế nằm cặp sông Soài Rạp thuận lợi cho việc lấy nước nuôi tôm, một số ND xã Hiệp Phước đã đầu tư nuôi tôm công nghệ cao rồi thành lập HTX Hiệp Thành. HTX này có chức năng hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong các lĩnh vực ngành nghề như nuôi thủy sản, chăn nuôi, chế biến, cung cấp cây con giống, thiết bị vật tư nông nghiệp, tư vấn kỹ thuật… với quy mô hơn 23ha, cung ứng ra thị trường hơn 500 tấn tôm/năm.

img

Nuôi cá cảnh đang được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị hiệu quả ở TP.HCM. Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Thiệt (xã Tân Nhựt, Bình Chánh) đang thu hoạch cá cảnh. Ảnh: T.Đ

Vừa qua, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) – đơn vị sẽ triển khai thực hiện dự án Khu đô thị cảng Hiệp Phước cho biết, đang chuẩn bị khởi công dự án. Và HTX Nông nghiệp Hiệp Thành buộc phải giao đất cho nhà đầu tư này.

Ông Trần Văn Mùa – Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Hiệp Thành ngao ngán: “HTX buộc phải giao đất. Chúng tôi đã đi khảo sát đất ở huyện Cần Giờ để làm vùng nuôi tôm cho HTX, nhưng chỉ thuê lại chứ không có tiền mua đứt”.

Theo UBND xã Bình Lợi, chỉ trong một thời gian ngắn, từ một xã thuần nông, hiện Bình Lợi đã có hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang đến tìm hiểu để đầu tư. Đất nông nghiệp trên địa bàn xã đang đứng trước áp lực lớn trước viễn cảnh giải tỏa để khu công nghiệp, nhà máy mọc lên.

Vừa qua, làm việc với đoàn giám sát của thành phố về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2 từ 2016 - 2020, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu cho biết, Nhà Bè có tốc độ đô thị hóa nhanh, phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình NTM. Theo ông Lưu, mặc dù vẫn còn 5.000ha đất sản xuất nông nghiệp (50% diện tích tự nhiên), nhưng theo quy hoạch, diện tích đất nông nghiệp của Nhà Bè chỉ còn… 280ha.

Đất nhỏ sinh lợi lớn

Có thể thấy, hiện tiêu chuẩn NTM của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 có những yêu cầu khá cao như: Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 63 triệu đồng/người/năm, kèm theo đó là giảm nghèo bền vững và đa chiều, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 800 triệu đồng/năm. Trước bài toán đất khu vực nông thôn ngày càng mất dần nhưng thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng để đáp ứng yêu cầu của Chương trình xây dựng NTM, thành phố đang tạo điều kiện để ND mạnh dạn phát triển sản xuất theo phương châm “đất nhỏ sinh lợi lớn”.

Theo Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1.124,7 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2016.

Theo bà Hoàng Thị Mai – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, để giải quyết bài toán trên, những năm qua, thành phố đã tái cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm, khuyến khích ND triển khai ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị. Song song đó, thành phố cũng ban hành những chính sách hỗ trợ lãi vay cho ND phát triển sản xuất.

“Trước đây một số vùng ND trồng lúa một vụ hiệu quả thấp đang được khuyến khích chuyển sang trồng các loại cây, con giá trị kinh tế cao đáp ứng điều kiện của thành phố, như: Cá cảnh, hoa lan… Như vậy, trên một diện tích đất nhỏ nhưng nông dân vẫn thu được lợi nhuận kinh tế cao” - bà Mai cho biết.

Cùng với việc thúc đẩy phát triển mô hình nông nghiệp đô thị mang lại giá trị kinh tế lớn, các huyện ngoại thành cũng đang hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thông tạo điều kiện cho ND an tâm sản xuất.