Dân Việt

Khi nào con trẻ nằm trong “vùng nguy hiểm”?

Thùy Dương 12/10/2017 16:01 GMT+7
Trẻ bị bắt nạt không chỉ là “chuyện trẻ con” mà có thể gây cho trẻ nhiều nguy hiểm như sa sút tâm lý, học lực giảm, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Tuy nhiên “vùng nguy hiểm” này không phải cha mẹ nào cũng có thể nhận biết.

Tại buổi Tọa đàm "Giúp con khỏi bị bắt nạt" do Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace tổ chức vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Mai Hương - chuyên gia tâm lý trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Tình trạng bắt nạt không chỉ dừng lại ở những hành vi đùa cợt, tẩy chay từ những bạn học mà đôi khi các bậc cha mẹ cũng chính là người bắt nạt con mình mà không hề hay biết như: ép con phải ăn món mà con không thích, bắt làm những việc mà con thấy ghét, chán nản”.

img

Trẻ bị bắt nạt lâu dài có thể gây nguy hiểm cho trẻ (Ảnh minh họa IT)

Nói về những dấu hiệu để các phụ huynh dễ nhận biết khi con mình bị bắt nạt ở trường, bà Hương cho biết: “Trước hết cha mẹ hãy để ý đến những thứ nhỏ nhất như là quần áo, sách vở của con bị mất, rách…Trên cơ thể của con có những vết cấu, xước, bầm tím…mà con không giải thích được từ đâu có. Hoặc những biểu hiện tâm lý như sợ sệt, lo lắng, khuôn mặt tái xanh, khóc, khi ngủ thường gặp ác mộng”.

TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Bản thân mình là người mẹ có con là nạn nhân của việc bắt nạn học đường, những ngày đầu đi học, con thường trở về nhà với tâm trạng buồn bực. Khi được mẹ giao nhiệm vụ thì con thường lắc đầu và nói con không muốn làm, rồi sau đó bắt đầu có những suy nghĩ mang tính tiêu cực”.

Phụ huynh lo lắng khi con mình là nạn nhân bắt nạt làm cách nào để dừng hành vi này hoàn toàn lại là một câu hỏi khó. Bằng những kinh nghiệm giúp con không bị bắt nạt, TS Minh cho biết: “Trước hết phải giúp con cân bằng cảm xúc. Khi con cảm giác an toàn, lúc đó mới để cho con kể lại câu chuyện vì sao con bị bắt nạt? Cùng con tìm nguyên nhân rồi đưa ra các phương án khác nhau hoặc phản biện các phương án của con để tìm cách giải quyết tốt nhất”.

Một giải pháp để xử lý tình trạng này là bố mẹ có thể sử dụng hiệu ứng mũi tên kháng cự. Tức là biến những điểm yếu của trẻ thành thế mạnh, xoay chuyển tình thế, dùng cách đó để làm vũ khí phòng ngừa bằng tất cả sự tự tin của con. Đặc biệt “vũ khí” đó phải được thực hiện bằng lời nói, tuyệt đối không đáp trả bằng vũ lực.

Tự tin là một pháo đài bảo vệ trẻ khỏi kẻ bắt nạt. Để có được điều này, các bậc cha mẹ trước hết cần phải lắng nghe, thấu hiểu con trẻ, tìm cách nói chuyện với trẻ rồi giúp con gọi tên những cảm xúc mà mình đã gặp phải. Khi trẻ biết bộc lộ, cha mẹ hãy rèn cho con tư duy phản biện, biết thể hiện suy nghĩ của mình. Từ đó con sẽ có đủ tự tin, mạnh mẽ, không e sợ trước bạn bè, chắc chắn không một kẻ bắt nạt nào muốn đến gần con

Không chỉ vậy, bà Hương, rèn sự tự tin của con, thể hiện qua phong thái, hãy giúp con đi thẳng, nhìn thẳng, tự tin thoải mái, không e sợ trước bạn bè. Đối với những đứa trẻ nhút nhát (điểm yếu của trẻ bị bắt nạt) thì những lời động viện từ bố mẹ sẽ giúp con đối diện với những “kẻ thù địch” một cách khôn ngoan.