Dân Việt

Nan giải bài toán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Hồng Cẩm 12/10/2017 06:12 GMT+7
Cuối tuần qua, tại TP.Cần Thơ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện vùng ĐBSCL”.  Bà Nguyễn Hồng Lý- Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dự và chủ trì hội nghị.

Số người tự nguyện tham gia còn hạn chế

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31.8.2017, số người tham gia BHXH tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL là trên 14.300 người (chiếm tỷ lệ 18,1% so với toàn quốc). Tuy vậy, số người tham gia BHXH tự nguyện thì còn rất thấp, đặc biệt còn sụt giảm đáng kể trong 2 năm gần đây.

img

Bà Nguyễn Hồng Lý – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; BHXH Việt Nam trao 150 triệu đồng mua BHYT cho hội viên nông dân nghèo TP.Cần Thơ. Ảnh: HỒNG CẨM

Còn về BHYT, tính đến ngày 31.8.2017 số người tham gia hơn 14.300 người, (đạt tỷ lệ bao phủ là 79,9% so với dân số vùng, chiếm tỷ trọng 15,31% so với tỷ lệ bao phủ toàn quốc). Trong đó chiếm đa số là nhóm đối tượng ngân sách nhà nước đóng và được hỗ trợ chiếm đa số, còn nhóm đối tượng cùng tham gia và nhóm theo hộ gia đình còn thấp.

Cũng trong 8 tháng đầu năm 2017, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL là 21.794 người (tăng 2% so với năm 2016). Tuy nhiên, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn quá thấp so với số đối tượng tiềm năng của vùng ĐBSCL.

“Công tác tuyên truyền chính sách BHYT, BHXH tự nguyện chưa phù hợp với đặc thù vùng miền nên chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Tại một số tỉnh chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đây là những nguyên nhân khiến việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện vùng ĐBSCL còn thấp so với tiềm năng của vùng” – ông Mai Đức Thắng – Phó Trưởng ban thu BHXH Việt Nam nêu khó khăn.

Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý nhấn mạnh: “Mạng lưới tổ chức Hội Nông dân ở 13 tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ có đến 1.579 cơ sở hội; 10.334 chi hội và 63.679 tổ hội; hiện có 2.625.767 hộ gia đình nông dân tương đương với khoảng hơn 10 triệu nông dân… thì đây chính là một trách nhiệm lớn, đòi hỏi Hội Nông dân các cấp cần phối hợp với cơ quan BHXH các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT đến với hội viên, nông dân, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 21 đề ra”.

Về giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò chính là Hội Nông dân. Các cấp hội cần rà soát lại nhóm hộ gia đình, nhóm cận nghèo, nhóm thu nhập thấp để phối hợp tuyên tuyền, hỗ trợ hợp lý nhất.

“BHXH các cấp cũng sẽ đẩy mạnh sự phối hợp với các ngành, các cấp trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về chủ trương chính sách về BHXH, BHYT và sẽ mở rộng hệ thống đại lý nhiều hơn ở tuyến cơ sở để người dân hiểu lợi ít và dễ dàng tiếp cận” - ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nêu giải pháp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện vùng ĐBSCL phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, cơ quan BHXH các cấp, các cơ sở khám chữa bệnh phải tăng cường hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính”.

Mục tiêu mà Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đề ra, là phấn đấu đến năm 2020 có 50% số người lao động tham gia BHXH; 35% số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; và mới đây nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số.