Phía sau thông báo hoãn đối thoại
Như đã thông tin, cư dân tại KĐT Đoàn Ngoại giao đã tuần hành phản đối Hancorp có động thái thúc đẩy việc thay đổi quy hoạch tại KĐT trong tương lai (mà không công khai lấy ý kiến tham vấn người dân) vào ngày 8.10.
Trước đó, ngày 6.10, Hancorp (chủ đầu tư cấp 1) có phản hồi bằng giấy mời đại diện các chủ đầu tư cấp 2 (dự án gồm nhiều hạng mục tòa nhà với các chủ đầu tư thứ cấp khác nhau), đại diện cư dân các tòa nhà tới đối thoại về các vấn đề kết nối hạ tầng giao thông với sự tham gia của chính quyền địa phương, đơn vị liên quan. Theo giấy mời 1431/TCT-PTDA do Phó TGĐ Nguyễn Đỗ Quý ký, Hancorp ấn định thời gian là 15h ngày 12.10 tại phòng họp BQL các dự án phát triển Nhà và Đô thị (khu đoàn ngoại giao).
Những động thái của chủ đầu tư Hancorp đang đẩy cư dân vào thế bị động, gấp gáp và “đá bóng trách nhiệm” cho chủ đầu tư thứ cấp!?
Tuy nhiên, ngày 10.10, Hancorp ra thông báo tạm hoãn buổi đối thoại. Văn bản 1440/TCT-PTDA (do PGĐ Nguyễn Đỗ Quý ký) nêu: “…thể theo nguyện vọng của cư dân đề nghị điều chỉnh lại thời gian đối thoại cho phù hợp để cư dân được tham dự đông đủ hơn, mặt khác theo yêu cầu của Lãnh đạo Chính quyền địa phương đối với chủ đầu tư, buổi đối thoại phải có sự tham gia của đại diện của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý” và “để chuẩn bị các tài liệu, giấy tờ, nội dung phục vụ cho buổi đối thoại một cách đầy đủ nhất”, Hancorp thông báo tạm hoãn cuộc đối thoại như đã lên lịch vào 12.10.
Đáng nói, Hancorp chỉ dự kiến chung chung “sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để tổ chức đối thoại trong thời gian sớm nhất. Thời gian, địa điểm cuộc đối thoại sẽ được thông báo cụ thể sau”. Và trong cả thông báo mời họp lẫn thông báo “delay”, đối tượng gửi tới của văn bản mà Hancorp phát đi chỉ là “các chủ đầu tư cấp 2 tại dự án”.
Trao đổi với Dân Việt, chị T. (đại diện cư dân tòa nhà N04A) cho biết chi tiết về những động thái của chủ đầu tư Hancorp đang đẩy cư dân vào thế bị động, gấp gáp và “đá bóng trách nhiệm” cho chủ đầu tư thứ cấp (đa phần là DN thành viên hoặc có mối quan hệ hợp tác kinh doanh với Hancorp).
Cụ thể, sau khi tuần hành tại KĐT (ngày 8.10), sáng 11.10 cư dân đã gửi thư hẹn Hancorp họp vào thứ 7 (tức ngày 14.10) để có đông đủ cư dân tham gia. Chiều 11.10, Hancorp CĐT có thông báo hoãn họp gửi đến cho các CĐT thứ cấp, chưa xác định rõ thời gian họp tiếp theo. Tối 11.10, ở các tòa nhà trong KĐT, BQL thông báo ….bằng loa về buổi họp ngày 14.10 (trùng với ngày cư dân hẹn họp trong thư mời gửi Hancorp) với CĐT thứ cấp và BQL, mời cư dân đến họp để tập hợp ý kiến gửi lên CĐT cấp 1.
Tại tòa N04A, mới chỉ khoảng 80 căn hộ được người dân dọn về ở. Ở diễn biến mới nhất, tối 11.10, chủ đầu tư (cấp 2) thông báo sẽ họp với cư dân vào tối 12.10 để tập hợp ý kiến gửi lên Hancorp. Vậy, với tỷ lệ quá thấp (80/408 căn hộ), việc lấy ý kiến của người dân có đảm bảo khách quan? Một cư dân tại tòa nhà này đặt câu hỏi. |
“Đáng nói, không có bất cứ văn bản hay thông báo mời họp chính thức nào dán tại các tòa nhà. Hơn nữa, ở nhiều tòa, ghi nhận một lượng đáng kể người mua nhà là thành viên của Hancorp hoặc chủ đầu tư thứ cấp – tác động không nhỏ tới sự đoàn kết chung của tòa nhà. Hancorp muốn chủ đầu tư thứ cấp thống nhất ý kiến ở từng tòa trước khi tổ chức đối thoại là vì thế” – thành viên Ban đại diện liên minh các tòa chung cư Đoàn Ngoại giao nhận định vào trưa ngày 12.10.
Hancorp lý giải một phần nguyên nhân khiến phải hoãn cuộc đối thoại (chưa rõ thời điểm) là do người dân đề nghị. Việc cư dân kiến nghị là có, nhưng Hancorp không nhắc tới thời điểm mà cư dân mong muốn. Thay vào đó, lại là một mốc thời gian “sớm nhất” được Hancorp đưa ra trong giấy hoãn đối thoại.
Hancorp: Quá khứ “dữ dội”
Từ 2015 tới nay, Hancorp từng không ít lần bị cơ quan chức năng nhắc tên. Cụ thể, theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, Bộ này ra quyết định “cấm cửa” một loạt các nhà thầu xây dựng do vi phạm hợp đồng - trong đó có Hancorp. Đầu bảng về “độ khủng” của gói thầu tham gia, Hancorp đứng tên hạng mục xây lắp giảng đường và Ký túc xá Đại học Thủy lợi tại khu Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên ghi nhận giá trị lên tới gần 620 tỷ đồng. Theo đánh giá của chủ đầu tư dự án (Đại học Thủy Lợi) và Bộ, tiến độ gói thầu không đáp ứng yêu cầu.
Tháng 1.2016, trong kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị và công trình y tế tại Bộ Y Tế (giai đoạn 2011-2014), Thanh tra Chính phủ cũng nhắc tới Hancorp với nhiều vi phạm trong thực hiện hợp đồng thi công công trình với Bệnh viện Nhi trung ương Giai đoạn 2. Tại đây, Hancorp là nhà thầu chính không giao cho đơn vị trực thuộc Tổng Công ty thực hiện thi công hạng mục cọc khoan nhồi mà ký hợp đồng giao cho Công ty CP Đầu tư & Xây dựng số 4 - Vạn Xuân (nhà thầu phụ) thi công, sau đó công ty Vạn Xuân lại ký hợp đồng giao lại cho 4 công ty con thuộc Hancorp với giá thấp hơn để hưởng chênh lệch gần 13,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thanh toán nhà thầu không điều chỉnh đơn giá vật liệu theo giá biến động.
Thanh tra Chính phủ kết luận, đây là hành vi vụ lợi có dấu hiệu gây thất thoát phần vốn Nhà nước tại DN (Hancorp), vi phạm quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BXD-BCA hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng.