Dân Việt

F4 Con ma chịu thua Én bạc MIG-21

PV 13/10/2017 09:33 GMT+7
Trong 4 tháng đầu tiên của năm 1966, có 11 máy bay Mỹ bị rơi, Việt Nam tổn thất 9 máy bay MiG. Tỷ lệ là 1,2:1. Sau khi đưa MiG-21 xung trận, từ tháng 5 đến tháng 12.1966, người Mỹ mất đến 47 chiếc máy bay, trong khi Việt Nam mất 12 chiếc, tỷ lệ đã là 4:1.

Những cựu phi công Việt-Mỹ từng đối đầu sinh tử trên bầu trời miền Bắc Việt Nam suốt những năm tháng chiến tranh vừa có dịp gặp mặt tại San Diego, Mỹ từ 21-24.9.2017. Những đối thủ một mất một còn ngày nào, giờ nắm tay nhau ôn lại chuyện xưa. Dù mái đầu đã bạc, dáng đi đã còng, các cựu phi công lừng danh của Việt Nam vẫn thư thả bên những đồng nghiệp Mỹ nay đã lên chức ông. Họ đang góp phần vào công cuộc gác lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho 2 nước, 2 dân tộc. Nhân dịp này, Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu loạt bài Những bí ẩn của chiến tranh không quân Việt Nam. Đây là tư liệu của nhà nghiên cứu độc lập người Nga, ông A.I.Trernhusev.

img

Đại tá, anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, người từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ, chụp ảnh lưu niệm tại căn cứ Không quân Miramar Hoa Kỳ trong dịp gặp mặt mới đây ở San Diego. Ảnh: Vũ Văn a

Khối lượng tải trọng trên cánh máy bay với tốc độ vòng chậm của máy bay tiêm kích Mỹ đều thua MiG. Thêm vào đó, khả năng chịu tải của MiG (của MiG-21PF là 8,0 trong khi của Phantom là  6,0) và các góc tấn công của MiG đều bỏ xa F-4. Các chuyên gia không quân Mỹ thừa nhận khả năng bay xoắn lò xo của máy bay Mỹ kém hơn hẳn so với MiG.

Đồng thời, khả năng bay thẳng đúng chiếm độ cao của F-4 cũng kém hơn MiG ( của F-4 là 0,74, của MiG là 0,79). Đồng thời, độ tin cậy bay xoắn ốc của F-4 không bằng MiG. Khi F-4 đã rơi vào vòng xoắn trôn ốc trên mặt phẳng ngang, các phi công có trình độ trung bình sẽ không thể thoát được.

Theo thông báo của chính bên Mỹ, chỉ riêng năm 1971 do rơi vào vòng xoắn trôn ốc trong các cuộc truy đuổi, Mỹ mất đến 79 Phantom II. Radar của F-4 có khả năng phát hiện mục tiêu rất xa và bám dính, nhưng khả năng chống nhiễu rất kém.

img

MiG-21 cùng nhiều phi công Việt Nam đã lập chiến công huyền thoại, khiến kẻ địch phải khiếp sợ và nể phục.

Buồng lái của phi công và hoa tiêu được lắp dày đặc các bảng điều khiển và nút bấm, công tắc, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của phi công và hoa tiêu. Nhưng F-4 cũng có những điểm nổi trội hơn so với MiG – 21.

Khả năng tăng tốc của F-4 cao hơn, từ tốc độ 600 km/h – 1000 km/h mất 20 giây, còn MiG-21 mất 27 giây. Tốc độ cất cánh cao hơn, khả năng nhìn quanh của phi công tốt hơn, sự có mặt của hoa tiêu khi theo dõi bầu trời cũng làm chủ được tình thế, nhanh chóng báo cho phi công biết mối đe dọa từ phía sau.

Đồng thời, lượng vũ khí trên MiG-21 kém hơn rất nhiều lần so với F-4. Với những máy bay MiG 21 thế hệ đầu tiên, lượng vũ khí ít cộng với radar công suất thấp, không có khả năng chống nhiễu cũng là điểm yếu rất lớn của MiG 21.

img

Chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324, phía dưới là một máy bay Mỹ bị bắn rơi.

Những trận không chiến cho thấy, do nhỏ hơn F-4 về tải trọng riêng trên cánh, MiG có khả năng cơ động tốt hơn trên mặt phẳng ngang, đặc biệt trên tầm cao và tầm trung. Các phi công Việt Nam rất dũng cảm lao vào các trận cận chiến. Nhưng máy bay MiG-21 chỉ có 2 tên lửa R-3S, chịu tải trọng rất nhỏ khi phóng (1,4 đơn vị).

Nếu lớn hơn, tên lửa không rời khỏi bệ phóng, bộ phận tách tên lửa sẽ khóa an toàn. Chính vì vậy, trong trường hợp cơ động săn đuổi và thoát hiểm, việc phóng R-3S rất khó. Không có súng máy phòng không cũng là điểm rất yếu của MiG-21, sau khi phóng 2 quả tên lửa máy bay MiG không còn vũ khí, và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến MiG bị tổn thất nhiều.

Trong giai đoạn này, ở Liên Xô có phương án cho MiG-21 PF/PFM thêm ổ súng treo GP-9 với pháo GS-23 mm. Súng đại bác GP-9 đã được lắp cho máy bay MiG-21 trong cuộc chiến tranh xung đột Ấn Độ với Pakistan năm 1971. Đồng thời cũng vào thời gian này, súng 23 mm G9 mới được trang bị cho MiG -21 PFM

Với vấn đề này, sau khi Phantom F-4B/D/J khi va chạm với MiG 17 vốn không có súng, đã vội vã trang bị cho máy bay các ổ súng máy treo. Giai đoạn cuối MiG-21 cũng được trang bị thêm súng máy ở cánh, loại máy bay MiG-21M. Đồng thời, MiG có radar tương đối yếu, do đó phụ thuộc nhiều vào các trạm điều khiển mặt đất. Nhưng việc không có radar hạng nặng cũng làm cho máy bay cơ động hơn nhiều.

Vào những năm 1965, tại căn cứ không quân Đà Nẵng, để đối phó với MiG-21, người Mỹ đã chuẩn bị một không đoàn máy bay tiêm kích nổi tiếng F-104 S Starfighter. Nhưng chưa kịp xuất kích, phi đoàn này đã lộ rõ khả năng không hiệu quả và chỉ dùng để tấn công mục tiêu mặt đất ở Miền Nam.

Trong 4 tháng đầu tiên của năm 1966, các trận không chiến có 11 máy bay của Mỹ bị rơi, không quân Việt Nam tổn thất 9 máy bay MiG. Tỷ lệ là 1,2:1 (người Mỹ công nhận là có 6 chiếc). Nhưng từ khi đưa MiG-21 vào trận, tỷ lệ tổn thất biến đổi hẳn. Từ tháng 5 đến tháng 12 người Mỹ mất đến 47 chiếc máy bay, trong đó Việt Nam mất 12 chiếc MiG, tỷ lệ đã là 4:1.