Lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh Hòa Bình đang gắng sức tìm kiếm các nạn nhân vụ sạt lở đất tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc. Ảnh: Thành An
Thâu đêm cứu nạn
Vụ sạt lở đất xảy tại xóm Khanh, xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình xảy ra vào khoảng hơn 1h sáng 12.10 chôn vùi 5 ngôi nhà khiến 18 người mất tích. 9 người tử vong đã tìm thấy, 9 người khác đang được lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tỉnh Hòa Bình gấp rút tìm kiếm.
Nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ chúng tôi không thể hình dung được sức tàn phá của lũ quét vừa xảy ra tại nơi đây. Dòng nước lũ cuồn cuộn đổ từ trên đỉnh núi kéo theo hàng nghìn, hàng vạn khối đá, hòn nào nhỏ bằng cái gùi, cái thúng, còn hòn to cỡ cả… ngôi nhà sàn của người dân địa phương.
Đất đá vùi lấp 5 ngôi nhà và 18 người dân trong đêm tối mịt mùng, hàng trăm người dân chạy tán loạn và tri hô “cứu cứu…”.
Trong ngày đầu tìm kiếm, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn bởi khối lượng đất đá, cây cối vùi lấp rất lớn. Ảnh: Thành An
Khoảng 1h30 ngày 12.10, sau khi nhận được tin báo, Huyện uỷ, UBND huyện Tân Lạc báo cáo ngay tin dữ về tỉnh, đồng thời huy động lực lượng tại chỗ để tiến hành cứu hộ, cứu nạn.
Ngay sau đó, hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh, Công an huyện Tân Lạc, Công an xã Phú Cường và các xã lân cận cùng cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự huyện Tân Lạc, K802, dự bị động viên trong huyện đã được huy động đến hiện trường với tất cả nỗ lực nhằm cứu giúp những người bị nạn.
Theo ghi nhận của PV, tại hiện trường, nhiều phương tiện, máy móc thuộc các lực lượng quân đội, công an và y tế miệt mài đào bới, túc trực. Ngoài ra, chó nghiệp vụ cũng được cảnh sát cơ động đưa vào để hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Trao đổi với PV Dân Việt, một chiến sĩ trong đội cứu hộ cứu nạn những nạn nhân tại xóm Khanh (xin được giấu tên) cho biết, rạng sáng 12.10, anh và các đồng đội được lệnh điều động gấp của cơ quan lên ứng cứu và tìm kiếm người dân mất tích do đất đá sạt lở vùi lấp ở xã Phú Cường, khoảng 2h sáng anh cùng lực lượng mới đến được hiện trường.
Đập vào mắt anh là những khối đất, đá cùng cây cối to, lớn, dòng nước đang chảy cuồn cuộn từ trên núi xuống, vọng ở xa xa là tiếng kêu cứu, tiếng gào thét, khóc than ỉ ôi.
Sau khi nắm bắt tình hình, 5 ngôi nhà của 4 hộ gia đình sinh sống cùng hơn 10 người bị vùi lấp, chỉ huy đã lệnh cho anh cùng đồng đội trong tổ công tác, phân công nhau ngay lập tức bắt tay vào tìm kiếm những nạn nhân.
“Ngay sau khi tiếp cận hiện trường, chúng tôi được phân công tìm kiếm và cứu một gia đình có 5 người. Lập tức, anh em trong đội tiến hành tìm kiếm và đưa 3 nạn nhân tử vong ra khỏi hiện trường vụ sạt lở”, chiến sĩ này cho hay.
Nhiều chiến sĩ bị ngập sâu xuống bùn không thể tự thoát
Người chiến sĩ tuổi chạc 30 cho biết, việc xác định vị trí của người dân bị nạn rất khó khăn bởi khối lượng đất, đá đổ xuống rất lớn, các nhân sự trong đội phải tập trung sức lực, trí lực để tìm được nạn nhân.
Dù khó khăn nhưng lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình vẫn miệt mài tìm kiếm. Ảnh: Thành An
Anh nhớ lại, khi tìm thấy một vị trí có một nam và một nữ, anh và đồng đội tập trung đào bới, vận chuyển những tảng đá to ra ngoài để cố gắng đưa hai người ra khỏi đống đất đá.
Trong hai người bị mắc kẹt, người phụ nữ đưa ra ngoài dễ dàng hơn bởi chị bị chăn, chiếu đè lên người. Người đàn ông bị đất đá đè, đội cứu hộ phải mất hơn 2 giờ để đưa anh ra ngoài.
“Chúng tôi phải lấy tay để moi đất, đá, mỗi khi gặp tảng đá to, chúng tôi phải xúm lại khoảng gần 10 người cùng nâng tảng đá ra chỗ khác để đưa người đàn ông ra ngoài. Sau 2h cố gắng, chúng tôi đã đưa được hai người trong đống đổ đất, đá ra khỏi hiện trường”, anh chia sẻ.
Theo chiến sĩ trẻ này, việc tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường còn gặp nhiều khó khăn bởi đêm tối và trời còn mưa rất lớn, nguy hiểm cận kề. Nhưng với sự động viên của chỉ huy và mong muốn tìm kiếm, cứu nạn người dân được nhanh nhất các anh không quản ngại gian khó.
Anh kể: “Trong lúc đưa các nạn nhân bị mắc kẹt ở đống đất đá, một số cán bộ chiến sĩ đã bị sụt xuống bùn sâu đến nửa người và không thể tự mình lên được. Chúng tôi nói với nhau, bị sụt xuống sâu như thế mà không may đất đá sạt lở tiếp thì rất khó chạy được".
Một cán bộ trong lực lượng tìm kiếm cứu nạn cho biết, do công việc tìm kiếm khó khăn, nhiều diễn biến nên lượng lượng tìm kiếm cứu nạn phải thay nhau vào hiện trường, vừa để nghỉ lấy sức vừa không làm gián đoạn quá trình cứu nạn.
Đinh Công Thịnh đau buồn khi mất bà nội và bố trong vụ sạt lở. Ảnh: Thành An
Trong số lực lượng tìm kiếm cứu nạn, đau thương nhất là trường hợp chiến sĩ Đinh Công Thịnh. Anh nghe tin nhà mình bị sập nên xin phép đơn vị về quê. Tại hiện trường, Thịnh bật khóc nức nở bởi bố và bà nội anh đã mất trong sự việc, may mắn mẹ và em trai anh không ở nhà nên thoát được. Trước đó Thịnh là quân dự bị động viên, đang thực hiện lệnh huy động quân của địa phương đi hỗ trợ cứu lũ trên địa bàn tỉnh.
Theo đại tá Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng): Để triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 300 chiến sĩ tham gia đào bới, tìm kiếm nạn nhân. Khó khăn lớn nhất của lực lượng tìm kiếm là địa hình hiện trường có nguy cơ sạt lở cao nên không thể cùng lúc triển khai toàn bộ lực lượng để đào bới, mà chỉ có thể chia theo tốp nhỏ.
Sáng nay (13.10), lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Hòa Bình tiếp tục công việc tìm kiếm 9 nạn nhân bị gặp nạn. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình khẳng định: "Chúng tôi sẽ tìm kiếm đến nạn nhân cuối cùng. Các lực lượng vẫn đang tích cực và phát điện để tìm kiếm các nạn nhân. Hiện, đã tìm thấy nạn nhân thứ 9”. |