Giật mình khi “bị mời cưới”
Không chỉ chiếc phong bì cưới, việc mời ai và mời như thế nào cũng là câu chuyện đáng bàn xung quanh một đám hỷ. Không ít người phải kêu “oai oái” khi một tháng nhận được 5 đến 7 chiếc thiệp hồng mà trong số đó, có đến phân nửa chủ nhân của nó không phải người quá thân quen.
Mời đúng khách đến đám hỷ cũng là cả một vấn đề cần học hỏi (ảnh minh họa)
“Đám cưới: Mời bạn ăn cỗ hay kiếm phong bì?”, xung quanh chủ đề này có nhiều câu chuyện bi hài. Lê My (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) từng xem việc mình được mời cưới không khác gì câu chuyện tiếu lâm.
My có vài người bạn chơi khá thân hồi cấp 3 nhưng từ sau khi tốt nghiệp không còn liên lạc, thậm chí, đến cả tài khoản mạng xã hội của nhau cũng không biết. Nhưng đến khi rục rịch có hỷ, họ lại lần tìm Facebook, Zalo của cô kết bạn và mời cưới.
Nhận được lời mời, My khá ngại ngần. Cô bắt đầu câu chuyện bằng vài lời hỏi thăm về công việc, cuộc sống giống như những người bạn mới quen rồi khéo léo từ chối đến dự.
“Mọi người có thể ném đá mình, nói mình ki bo nhưng mình không thể đi đám cưới trong hoàn cảnh đó được. Bao nhiêu năm không gặp, không liên lạc giờ bỗng nhiên đi đám cưới, có phải quá vô duyên không? Mình không làm được”, My nói.
Lê My không phải người duy nhất bị mời cưới bởi những người bạn “trời ơi đất hỡi”. Có những người bạn văn phòng, dù chỉ vài lần đi lướt qua nhau, nở đôi nụ cười, ngày hôm sau cũng đột nhiên thấy "tấm thiệp mời trên bàn”.
Không ít người bối rối khi bỗng dưng nhận được thiệp mời từ người mới quen biết (ảnh minh họa)
Ngọc Lan (28 tuổi) từng rơi vào trường hợp như vậy. Trong hai tháng chuyển đến công ty mới, người cô tiếp xúc nhiều nhất là sếp và các bạn cùng nhóm, còn lại khi gặp nhau đều chỉ chào lịch sự.
Nhưng chỉ sau 10 ngày làm việc tại đó, Lan đã nhận được một tấm thiệp mời mà chủ nhân của nó cô mới chỉ biết mặt chứ chưa biết tên.
“Anh ấy làm bên phòng kỹ thuật, lần chạm mặt lâu nhất là khi lắp đặt máy tính cho mình, sau hỏi ra mới biết tên tuổi. Kể ra cũng bối rối đấy, có thể họ ngại mời tất cả mọi người mà không mời mình thì khó xử nhưng kẻ được mời như mình cũng chả dễ xử gì. Về sau, mình gửi phong bì chứ không đến dự”, Lan kể.
Mời sao cho đúng?
Rất nhiều người thừa nhận, họ bức xúc, khó chịu khi bị những người không thân quen mời cưới. Đó không chỉ là chuyện tấm thiệp liên quan đến tiền mừng mà còn là sự ngại ngần khi có mặt ở đám hỷ của một người gần như xa lạ.
“Đôi lúc mình không hiểu có mặt ở đó để làm gì. Chẳng quen biết ai, ngay đến cả cô dâu, chú rể cũng còn lạ lẫm. Nói thật, trong hoàn cảnh ấy, lời chúc phúc có nói ra cũng không chân thành”, Lan chia sẻ.
Chỉ nên mời những người bạn thật sự thân thiết đến dự đám cưới (ảnh minh họa)
Thế nên, mời đám cưới cũng là cả một “nghệ thuật” mà các cô dâu, chú rể cần học hỏi. Khánh Vân (Hà Nội) chia sẻ, trong đám cưới mình, cô chỉ mời những người bạn thân thiết ở thời điểm hiện tại mà chắc chắc họ có thể đến được. Thậm chí, có nhiều người bạn trước đây cô từng đến dự đám cưới, gửi phong bì nhưng giờ không còn qua lại nhiều thì cũng không mời.
“Có vài người bạn dù khá thân nhưng họ ở xa quá, tôi cũng không mời. Cưới xong, tôi nhắn tin thông báo với họ tin hỷ rồi giải thích lý do không gửi thiệp, thế là họ hiểu. Tôi cũng chưa bao giờ có suy nghĩ, tranh thủ ngày cưới kiếm ít tiền mừng hay là thu lại toàn bộ số phong bì lúc trước bỏ ra. Lễ cưới là của mình nên làm thế nào vui nhất là được”, Vân chia sẻ.
Nữ Huyền, hiện sống tại Úc chia sẻ câu chuyện thú vị về phong tục mời cưới nơi đây. Huyền kể, tại Úc, trước khi mời ai, cô dâu chú rể sẽ lên một danh sách, sau đó sẽ mail hoặc gọi điện hỏi trước là có thể đến dự không, đi một mình hay đi với cả gia đình… Chỉ khi chắc chắn 100% rồi họ mới gửi thiệp mời tận tay, không thông qua bất kỳ ai.
Một số đám cưới Huyền tham dự, chỉ có 10 đến 20 khách mời nhưng rất vui và đáng nhớ. Cô dâu, chú rể tổ chức đám cưới dựa theo khả năng kinh tế của bản thân. Bạn bè khách khứa cũng không mừng tiền mà chỉ tặng một chiếc khung hình làm kỷ niệm hoặc một bài hát.
“Bạn bè mình ở Việt Nam, có những người bạn học từ cấp 1, cấp 2, xa lắc xa lơ, lâu không liên lạc rồi đùng cái nhờ người này, người kia gửi thiệp cưới. Có chán không? Nhiều khi nhé, mình nghĩ họ là bạn nhưng người ta không như vậy, tấm thiệp mời sẽ giống như một hình thức làm phiền. Riêng mình, chỉ muốn nhớ lại đám cưới với những giây phút vui vẻ bên người thân chứ không phải tính toán hay hậm hực chuyện tiền mừng nhiều hay ít”, Huyền chia sẻ.
…
Nỗi bức xúc không chỉ đến từ người “bị mời đám cưới” mà đôi khi, ngay cả người đi mời cũng phải tổn thương vì vài câu cửa miệng vô duyên của bạn bè.
Cùng đón đọc bài tiếp theo vào 11:00 ngày 14/10.
Những tưởng tôi sẽ có được cuộc sống giàu sang “một bước lên xe, hai bước xuống xe” như trong mộng tưởng, nhưng...