Dân Việt

Đi vòng 100km bằng đường thủy cứu trợ các điểm bị cô lập ở Đà Bắc

Vinh Duy - Thiên Long 13/10/2017 15:49 GMT+7
3 ngày sau trận lũ lịch sử tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, đến ngày 13.10, toàn bộ các xã vùng cao như Đồng Ruộng, Đồng Nghê, Suối Nánh... chưa thể tiếp cận bằng đường bộ. Cách duy nhất để đưa lương thực, thực phẩm đến các điểm này là đi bằng đường thủy.

Khó thông đường vì khối lượng đất đá sạt quá lớn

Đường tỉnh 433 là con đường độc đạo dẫn đến các xã vùng cao của huyện Đà Bắc. Trận lũ lịch sử ngày 10.10 đã gây ách tắc hoàn toàn tuyến giao thông huyết mạch này. Khối lượng đất đá, sạt xuống trên toàn tuyến rất lớn, trong thời gian ngắn chưa thể khắc phục ngay được. Do thời tiết vẫn còn mưa nên trên tuyến đường tỉnh 433 có nhiều ngầm, nước sông, suối dâng cao gây cản trở giao thông cũng như lực lượng cứu hộ.

img

Tuyến đường vào xã Suối Nánh bị tắc nghiêm trọng, có hàng trăm điểm sạt lở.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: “Huyện đã huy động toàn bộ phương tiện, máy móc của các doanh nghiệp trên địa bàn cùng sự hỗ trợ của tỉnh để khẩn trương thông tuyến đường huyết mạch này. Nhưng do thời tiết phức tạp, khối lượng đất đá lớn, vì vậy, sau 3 ngày vẫn chưa thể thông đường”.

Cách duy nhất để đến với các vùng cô lập của huyện Đà Bắc là lực lượng cứu hộ phải di chuyển bằng đường thủy gần 100km. Hiện các đơn vị bộ đội, công an đã tiếp cận các điểm cô lập, giúp dân dọn dẹp, dựng nhà ở tạm sau khi lũ đi qua.

img

img

img

Đường tỉnh 433 có nhiều ngầm, mỗi khi mưa to, nước sông suối dâng cao các phương tiện tham gia giao thông không thể qua được.

Ông Bùi Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Suối Nánh, huyện Đà Bắc cho biết: “Trên địa bàn xã đang bị cô lập, giao thông đi lại rất khó khăn, hiện tại các điểm cô lập đã được huyện, tỉnh tăng cường cán bộ xuống giúp bà con ổn định đời sống. Những gia đình có người thiệt mạng tỉnh đã hỗ trợ 5 triệu đồng, gia đình bị thương hỗ trợ 2 triệu đồng. Lãnh đạo xã đã trưng tập toàn bộ tàu, thuyền của ngư dân để vận chuyển lương thực, thực phẩm, lực lượng cứu trợ đến các điểm bị cô lập".

img

Lực lượng cứu hộ đang khẩn trương san gạt đất đá vùi lấp để thông tuyến đường 433.

Không để người dân đứt bữa

Không để người dân vùng lũ phải chịu đói rét, cảnh màn trời chiếu đất, ngay sau khi xảy ra lũ, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, huy động lực lượng vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm đến từng điểm bị cô lập.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: “Các lực lượng cứu trợ đã vận chuyển hơn 2 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh lên các điểm bị ảnh hưởng do lũ để cứu trợ người dân kịp thời. Mặc dù đường bộ không thể tiếp cận, nhưng tỉnh, huyện đã huy động tàu thuyền để vận chuyển, trao tận tay người dân gặp nạn, không để các hộ dân phải chịu đói, rét”. 

img

Lực lượng cứu hộ vận chuyển hàng hóa, lương thực tiếp ứng người dân vùng lũ bị cô lập bằng đường thủy.

Để đảm bảo tính mạng cho người dân, đối với các điểm có nguy cơ sạt lở, lãnh đạo huyện Đà Bắc đã chỉ đạo di chuyển dân đến nơi an toàn, bố trí chỗ ăn, ở cho người dân, cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực đảm bảo không để người dân bị ảnh hưởng phải chịu đói, rét.

Ông Quách Công Lâm - Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng cho biết: Trên địa bàn xã Đồng Ruộng còn nhiều điểm bị cô lập, nhưng nặng nhất là điểm Xóm Nháp. Hiện tại 25 hộ dân tại bản này bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ. Sáng 13.10, lãnh đạo UBND huyện cùng lực lượng cứu hộ đã làm lán cho người dân ở tạm, đồng thời khảo sát tìm phương án di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.