Ngập không rút
Con hẻm nơi ông Minh ở có tên đầy đủ là “hẻm 183 Nguyễn Khối, Q. Gò Vấp”. Theo ông Minh, trước đây tuyến hẻm này cũng ngập nhưng chỉ một vài giờ sau là rút hết, cùng lắm là một ngày. Vậy mà trận mưa đêm 4.10, về đến nhà ông Minh gần như chết sửng. Ngoài sân nước ngập quá thắt lưng, còn trong nhà thì bồn cầu nằm thấp hơn mặt nước.
Nhiều nơi ở Sài Gòn diễn ra tình trạng ngập nhiều ngày nước không rút.
Gần 20 năm sống ở khu vực này, bà Lê Thị Tú, ngụ nhà số 183/48, cho rằng đây là đợt ngập kỷ lục trong suốt thời gian qua. Bà Tú nói rằng nền nhà bà cao nên số lần nước ngập và tràn vào nhà chỉ có ba lần, nhưng lần này không hiểu vì sao đến ngày thứ 3 mà vẫn chưa hết ngập. Để ngăn nước tràn vào nhà, bà Tú phải dùng các bao cát chặn cửa. Thế nhưng, mọi cố gắng gần như vô ích, đồ đạc hư hỏng khá nhiều, chân tủ, chân giường bằng gỗ ngâm nước trông thật thảm hại…
Gần đó, đến ngày 7.10, tuyến đường số 19, phường 8, Q. Gò Vấp, vẫn chìm trong nước ngập. Người dân cho biết đường ngập nghiêm trọng vào đêm Trung thu ngày 4.10 và kéo dài đến ngày 7.10, nước vẫn chưa rút hết.
Đáng nói, phía trong cùng của hẻm 61 đường 19 là khu nghĩa địa cũng lênh láng nước. Điều người dân lo lắng nhất là nước thải sinh hoạt, hầm cầu trào lên bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Để đối phó, một số hộ dân đã chuẩn bị bao cát để chặn lại nhưng bất lực, nước vẫn ào ào chảy vào sân và tràn vào nhà. Bà Nguyễn Thị Lai, ngụ nhà số 61/55 đường số 19, cho biết hẻm này cứ mưa là ngập, nhưng đợt ngập này kéo dài một tuần mà không rút được bao nhiêu. Đầu giờ chiều, đứa cháu nhỏ của gia đình cũng hì hụi lau nhà. “Tôi lội nước nhiều nên chân cũng bị nước ăn. Nguy hiểm nhất là nước hầm cầu trào lênphát sinh ruồi muỗi, dịch bệnh”, bà Lai lo lắng.
Tình trạng đường, hẻm biến thành ao tù vì ngập không rút ở TP.HCM xem ra ngày càng nhiều chứ không riêng gì ở P.8, Q. Gò Vấp. Nào là các con hẻm ngập trên đường Ấp Chiến Lược, Bình Tân, rồi khu Bốn Xã, Phú Lâm, Bà Hom… Tình trạng nước ngập không rút đã đẩy biết bao gia đình vào cảnh “sống dở, sống khổ”, chưa kể bệnh tật phát sinh như lời bà Lai đã chia sẻ ở trên.
Dân khổ, địa phương phó mặc
Trước những nỗi khổ và những tiếng rên la của người dân con hẻm 183 và đường cùng hẻm số 19 (đều thuộc P.8, Q. Gò Vấp), tối ngày 6.10, công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM phối hợp với trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố “giải cứu” hẻm 183, bằng cách điều xe bồn cùng gần 20 công nhân của công ty để tìm hiểu nguyên nhân gây ngập. Qua hỏi thăm các hộ dân trong hẻm thì mới hay cách đây gần hai năm có một vị trí cống bị bít lại, nhưng chưa rõ ở chỗ nào. Các công nhân công ty thoát nước phải đi lật từng nắp cống để đi tìm thủ phạm. Cuối cùng, thủ phạm được xác định là đường cống bị bít lại ở hẻm 872 đường Quang Trung. Bi hài nhất là lúc này, đại diện UBND P.8 lại cho biết đường công này bị bít từ đầu năm 2016, do các hộ dân thống nhất với nhau bít lại để ngăn nước từ một dự án tràn qua khu vực lân cận (!). Ngay lập tức, các công nhân đục ngay vị trí cống tắc, nước trong cống chảy ào ào.
Khi nghe thông tin cống thoát nước bị bít, nhiều hộ dân bức xúc tột độ và và đặt vấn đề tại sao chính quyền biết có cống bị bít mà không nói để truy ra thủ phạm, thì lại nói là do dân hẻm 872 đường Quang Trung bít. Đến sáng 9.10 (tức gần tuần sau trận ngập), ngồi bó gối trong nhà vẫn còn xắp nước, ông Minh không đi ngay vào bình luận về bức xúc trên, mà lại thốt lên rằng: lịch sử phải ghi nhận con hẻm nơi ông sinh sống về chuyện ngập lụt ngay giữa Sài Gòn. Ngập lên đến thắt lưng, vượt quá bồn cầu. Ngập kéo dài cả tuần chưa rút hết nước. Khổ! Sống ở Sài Gòn mà như đang ở Đồng Tháp Mười mùa nước nổi.
Ví von vậy mà ông Minh vẫn còn thấy chưa đủ nên so sánh thêm rằng: người dân ĐBSCL, miền Trung bị ngập, bị thiệt hại còn được hỗ trợ, chứ ở hẻm ông ai thiệt hại người đó chịu, dù người dân trong hẻm đã nhiều lần kiến nghị với tổ khu phố cùng chính quyền phường 8 xem xét coi sao mà nước không thoát ra được. Thế nhưng, họ vẫn… mặc kệ nó! “Mấy ngày nay may mắn có thùng mì trong nhà để ăn, chứ không thì chết đói giữa Sài Gòn phồn hoa rồi. Nước ngập tới rốn không thể rời nhà nửa bước”, ông Xuân Minh ngao ngán.
Ông Minh còn có thể bám trụ trong ngôi nhà ngập vì căn nhà có lầu, riêng gia đình ông Tuy, ngụ đường số 19, thì chiều 7.10, đã phải chuyển nhà ra ở trọ vì căn nhà cấp 4 ngập không còn chỗ ngồi, dù ngay trong buổi ông dọn nhà đi thuê trọ, công ty thoát nước đã cử đội xuống giải cứu con hẻm. “Chuyện đúng ra của phường, của quận khi người dân rên la kiến nghị, nhưng họ lại bỏ mặc. Giờ công ty thoát nước hút nước giúp, nhưng lỡ mai mốt mưa cũng chết. Đừng bỏ mặc chúng tôi nữa ông phường, ông quận ơi”, ông Tuy cầu cứu.