Được học nghề, tự tin hơn trong sản xuất
Chị La Thị Thương (dân bản Mường Cấu, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) cho biết, trước đây, gia đình chị chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Quanh năm vất vả với nương rẫy, ruộng vườn mà kinh tế gia đình chị mãi không khấm khá lên được... Năm 2013, chị Thương mạnh dạn đăng ký tham gia lớp trồng nấm do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (ND) tỉnh tổ chức.
Nuôi cá nước ngọt là một trong những nghề được quan tâm trong công tác đào tạo nghề ở Lai Châu. Ảnh: Văn Chiến
Từ năm 2011 – 2016, tỉnh Lai Châu đã đào tạo nghề cho hơn 30.000 lao động nông thôn, trong đó tỷ lệ nông dân học nghề nông nghiệp chiếm gần 90%. Số hội viên nông dân qua đào tạo có việc làm và nâng cao hiệu quả việc làm sẵn có đạt hơn 80%...”. Bà Phạm Thị Hồng Gấm |
Trong thời gian 3 tháng, chị vừa được học lý thuyết vừa được hướng dẫn thực hành mô hình làm nấm rơm ngay tại bản. Sau khóa học, chị Thương đã nắm được quy trình làm nấm cũng như kỹ thuật ủ rơm thế nào thì đảm bảo tiêu chuẩn. “Mỗi năm, tôi làm 3 lứa nấm, mỗi lứa khoảng 3 tạ rơm, lãi gần 10 triệu đồng. Làm nấm rơm không vất vả, thị trường tiêu thụ dễ mà giá trị kinh tế cũng khá cao” – chị Thương vui vẻ nói.
Ông Cà Văn Chinh ở bản Nậm Cày, xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) đào ao thả cá từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do chưa nắm được kỹ thuật xử lý ao, nguồn nước, chăm sóc nên cá nhà ông thả chậm lớn, thu nhập chẳng đáng là bao.
Năm 2015, ông cùng 29 học viên là hội viên ND trong bản, tham gia lớp đào tạo nghề nuôi cá nước ngọt, do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh phối hợp Phòng LĐTBXH huyện Nậm Nhùn tổ chức. Tại lớp học, ông được tiếp thu kỹ thuật xử lý ao, xử lý nguồn nước, cách nhận biết và phòng chống dịch bệnh cho cá. “Nắm vững kiến thức, tôi yên tâm áp dụng vào chăm sóc ao cá rộng khoảng 500m2. Được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, lứa cá nào cũng mau lớn hơn. Mỗi năm, tôi cũng thu được gần 50 triệu đồng từ ao cá, cao gấp 3 – 4 lần so với trước đây...” – ông Chinh cho hay.
Đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu
Bà Phạm Thị Hồng Gấm – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND (Hội ND tỉnh Lai Châu) chia sẻ, Hội ND có hệ thống “chân rết” từ tỉnh xuống thôn, bản nên việc tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu cần đào tạo của hội viên, ND cũng thuận lợi hơn. Việc lựa chọn ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, luôn sát hợp với thực tiễn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng.
“Trung tâm luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu, chứ không chạy theo số lượng. Ngoài truyền đạt kiến thức tại lớp,các giảng viên còn bố trí thời gian hướng dẫn học viên thực hành tại đồng ruộng, mô hình cụ thể, theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Nhờ vậy, sau khóa học, các học viên nắm vững kiến thức, kỹ thuật, tự tin áp dụng vào sản xuất” – bà Gấm nhấn mạnh.
Đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề, bà Gấm khẳng định: “Qua các lớp đào tạo nghề, hội viên, ND đã có nhiều chuyển biến về nhận thức, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhiều hội viên, ND mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích”.