Mỹ đang kiên nhẫn theo đuổi biện pháp ngoại giao với Triều Tiên.
Reuters dẫn lời ông Tillerson nói rằng “các nỗ lực ngoại giao đó sẽ tiếp tục cho tới khi nào thả quả bom đầu tiên”.
Trả lời phỏng vấn của chương trình “State of the Union” trên kênh CNN, ông Tillerson cũng giảm nhẹ tầm quan trọng của thông điệp mà ông Trump từng viết trên Twitter về chuyện quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ phí thời gian tìm cách đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên. “Ông Trump đã nói rõ với tôi phải tiếp tục các nỗ lực ngoại giao”, Ngoại trưởng Tillerson nói.
Trong khi đó truyền thông Hàn Quốc ngày 14.10 đưa tin có khả năng Triều Tiên đang chuẩn bị sẵn sàng cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo trước cuộc tập trận hải quân chung của Mỹ và Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào tuần tới. Trang Donga Ilbo dẫn nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều bệ phóng và tên lửa đạn đạo đang được vận chuyển ra khỏi kho chứa nằm ở tỉnh Bắc Phyongan gần thủ đô Bình Nhưỡng.
Các quan chức quân đội Hàn Quốc và Mỹ nghi ngờ Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa. Nhiều khả năng đây có thể là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 vốn được cho là có thể vươn tới khu vực Alaska của Mỹ hoặc là Hwasong-12 mà Bình Nhưỡng từng đe dọa bắn về phía đảo Guam (Goam), một vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Hoặc cũng có thể đây là Hwasong-13, một loại ICBM mới được Triều Tiên phát triển với tầm bắn có thể vươn tới khu vực Bờ Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, thông tin trên vẫn chưa được giới chức quân sự Hàn Quốc xác nhận. Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận khi được hỏi về vấn đề trên và khẳng định bộ này vẫn đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái ở Triều Tiên.
Trước đó, cùng ngày, Hải quân Mỹ xác nhận tàu sân bay USS Ronald Reagan của lực lượng này sẽ dẫn đầu một cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ và Hàn Quốc trong tuần tới. Trong những ngày qua, Mỹ cũng liên tiếp điều 2 tàu ngầm hạt nhân gồm US Tuscon và USS Michigan và tới khu vực Bán đảo Triều Tiên và điều các loại máy bay thả bom thế hệ mới tới tham gia cuộc tập trận chung trên không ban đêm đầu tiên với Nhật Bản và Hàn Quốc, gửi đi tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ tới các hoạt động phát triển hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Trump hôm 7.10 nói rằng “chỉ có duy nhất một thứ hiệu quả” để đối phó với Triều Tiên, sau khi các chính quyền tiền nhiệm đối thoại với Bình Nhưỡng nhưng không đạt được kết quả.
“Các đời tổng thống và chính quyền của họ đã nói chuyện với Triều Tiên 25 năm qua, các thỏa thuận và các các khoản tiền lớn được trả”, ông Trump viết trên Twitter. “… Không đi đến đâu, các thỏa thuận bị vi phạm ngay trước cả khi chúng ráo mực, biến các nhà đàm phán Mỹ thành những kẻ ngố. Xin lỗi, chỉ có một điều duy nhất hiệu quả!”
Theo Reuters, ông Trump không nói rõ điều ông đề cập tới, nhưng các bình luận của ông dường như gợi ý thêm nữa về giải pháp quân sự.
Nguyên thủ Mỹ từng tuyên bố rằng nếu cần, Mỹ sẽ “hủy diệt” Triều Tiên để bảo vệ bản thân và các đồng minh trước các mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố không muốn đối thoại với Triều Tiên, và thậm chí còn cho rằng ý tưởng đối thoại với Bình Nhưỡng là điều gây mất thời gian, sau khi Ngoại trưởng Rex Tillerson nêu lên đề xuất này.
Sau đó, Tổng thống Trump nói rằng ông vẫn còn mối quan hệ tốt đẹp với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, dù vẫn còn một số bất đồng.