"Sau khi tôi xuất ngũ (1979), gia đình tôi quanh năm chìm trong túng quẫn, có khi nhiều tháng trời chỉ biết làm bạn với củ khoai, củ sắn lót dạ qua ngày. Năm 1999, tôi quyết định cầm cố sổ đỏ đi vay ngân hàng làm ăn kinh tế để tìm lối thoát" - ông Sơn kể.
Mỗi năm, mô hình heo, cá của ông Sơn đem lại tổng thu nhập trên 300 triệu đồng. |
Vay được 250 triệu đồng, ông mạnh dạn thuê 1.000m² đất xây dựng trang trại nuôi 5.000 con gà công nghiệp. "Chỉ trong vòng 4 năm, thu nhập từ gà đã giúp tôi trả hết nợ ngân hàng và còn dư ra trang trải cuộc sống".
Nhưng đợt dịch cúm gia cầm năm 2003 đã lấy đi tất cả tài sản, công sức của ông. Trắng tay, không ít lần ông rơi vào tuyệt vọng. Với bản tính cứng cỏi, ông quyết tâm làm lại từ đầu, cũng với chăn nuôi, nhưng lần này là nuôi lợn.
"Mất hết vốn liếng từ sau đợt dịch cúm gia cầm, tôi lại chạy vạy khắp nơi, đánh liều thế chấp nhà đất để có vốn chuyển qua nuôi lợn thịt". Ông Sơn mua 350 con lợn giống. Sau một năm, nhận thấy doanh thu từ nuôi lợn khá cao (60 triệu đồng/năm), ông quyết định thuê thêm 1.000m² đất để mở rộng diện tích chăn nuôi. Đến nay, trang trại của ông có 700 con lợn thịt, trung bình mỗi năm xuất chuồng 2 - 3 lần.
Để tận dụng triệt để nguồn lợi từ lợn mang lại, năm 2008, ông đấu thầu thêm 4.000m² đất, nuôi thêm cá lóc, cá trê lai, cá rô phi… Ông đầu tư hệ thống bơm, xả nước, cho cá ăn tự động.
Với mô hình chăn nuôi tổng hợp này, mỗi năm thu nhập từ lợn và cá của ông là hơn 300 triệu đồng. Trang trại của ông còn giải quyết công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương với thu nhập ổn định 3,5 triệu đồng/người/ tháng.
Không chỉ làm giàu cho mình, ông Sơn luôn sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm chăn nuôi, hỗ trợ vốn cho bà con trong xã muốn phát triển kinh tế theo mô hình này.
Uyên Minh- Thanh Ba