Dân Việt

Cảm phục cặp vợ chồng điếc vượt mọi khó khăn để nuôi dạy 3 con

Hà Nhi 16/10/2017 11:44 GMT+7
Con gái út của Charlene cũng bị điếc nên cô phải dạy hai anh trai cách tương tác với em.

Có thể nghe và giao tiếp với những người thân yêu là một điều khiến chúng ta hạnh phúc. Tuy thỉnh thoảng chúng ta có thể phải cáu gắt hay mắng lũ trẻ vì chúng quá ồn ào nhưng đó cũng là một "đặc quyền". 

Một thế giới không có âm thanh, không có tiếng nói, tiếng cười của con bạn; một thế giới không có tiếng hót của những loài chim - một thế giới chỉ toàn im lặng. Bạn sẽ như thế nào nếu phải sống ở đó? 

Charlene Wong, bà mẹ ba con, người quản lý của câu lạc bộ cộng đồng TOUCH dành cho những người khiếm thính, sẽ đem đến cho bạn câu trả lời. Cô ấy đã kết hôn với Alan Wong và có 3 con là Isacc (12 tuổi), Josiah (7 tuổi), Hannah (3 tuổi). Cả Charlene và Alan đều điếc và theo lời Charlene, trong 3 con của cô, có 2 bé nghe được bình thường, một bé điếc. 

img

Charlene là một thành viên tích cực của tổ chức hỗ trợ người khiếm thính.

Hòa nhập và tìm kiếm việc làm là một thử thách lớn

Charlene kể: "Tôi sinh ra đã bị điếc và lớn lên trong một gia đình điếc, chỉ có ông bà tôi nghe được. Có thể nói rằng, tôi đã có một thời thơ ấu hạnh phúc vì nhận được nhiều sự hỗ trợ từ gia đình và trường học. 

Bố mẹ tôi, anh trai tôi đều điếc và thông tin liên lạc giữa chúng tôi không phải là vấn đề vì chúng tôi cùng chia sẻ một ngôn ngữ. Mặc dù điều, tôi có tiếng nói. Nhưng do thiếu luyện tập, tôi không thể nói và phát âm đúng từ".

Charlene bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu từ bố mẹ mình. Đó là ngôn ngữ đầu tiên của cô kể từ khi chào đời. Khi đi học, cô được gửi đến một trường tiểu học có nhóm học sinh khiếm thính và giáo viên sẽ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giảng dạy. Từ đó, ngôn ngữ của Charlene cũng dần phát triển.

Tuy vậy, tới năm học trung học, Charlene mới lần đầu tương tác với các bạn nghe được trong lớp khi họ tò mò về ngôn ngữ ký hiệu mà cô và những người bạn điếc sử dụng. Sau đó, họ đã cùng học về ngôn ngữ này và giao tiếp với nhau. Các bạn nghe được còn giải thích cho Charlene những bài học chưa hiểu. 

Khi học lên bậc cao hơn, Charlene phải đối mặt với nhiều thách thức vì không có giáo viên nguồn. Tốc độ học tập nhanh hơn khiến cô bỏ lỡ nhiều nội dung trong bài giảng. Các thông tin trong slide không đủ cho Charlene nắm được bài học nên cô bị tụt lại phía sau so với các bạn. Điều đó đòi hỏi cô phải học tập chăm chỉ và nỗ lực nhiều hơn. 

"Tôi đã đến gặp trực tiếp giáo viên để nhờ giúp đỡ. Thày rất sẵn lòng để dạy thêm cho chúng tôi - một nhóm học sinh khiếm thính. Ngoài ra, tôi phải đến thư viên để tìm thêm thông tin", Charlene chia sẻ về những khó khăn mà cô gặp phải ngay từ thời đi học.

Theo Charlene, với những người như cô, cuộc sống là phải vượt qua những rào cản liên tục. Bởi ngay chuyện không nghe được đã khiến cô bị không ít người né tránh. Cô còn nhớ khi đi làm thêm công việc đầu tiên tại một cửa hàng McDonalds với vị trí đứng quầy thu ngân, một số khách hàng đã chuyển sang quầy khác để gọi đồ sau khi nhận ra cô bị điếc. Thời gian đó, đã có lúc Charlene thấy nản lòng. 

Sau khi tốt nghiệp trường Bách Khoa, tìm việc làm cũng là một thử thách với Charlene. Cô đã nhờ ông nội và cha dượng gọi điện giúp đến công ty cô tâm để xin việc. Phía công ty đã từ chối ngay sau khi phát hiện Charlene bị điếc.

"Khi đi phỏng vấn, các công ty đều hỏi tôi có thể gọi điện thoại hay không. Tôi nói với họ rằng tôi không thể vì mất thính giác. Họ xin lỗi vì không thể cho tôi làm việc", Charlene kể lại.

Cuối cùng, thông qua bạn bè, Charlene cũng tìm kiếm được một công việc.

img

Gia đình đông con của cặp vợ chồng điếc Charlene và Alan.

Tự hào vì nuôi dạy 3 con thành công

Charlene gặp chồng mình lần đầu tiên trong một buổi hòa nhạc từ thiện từ những ngày học tiểu học. Cô cho biết cả hai đã cảm mến nhau từ cái nhìn đầu tiên và chính thức hẹn hò khi học trường Bách Khoa.

"Chồng tôi cũng điếc, vì vậy giao tiếp không phải là vấn đề giữa chúng tôi. Chúng tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời khi cùng chia sẻ một ngôn ngữ", Charlene nói.

Charlene và Alan kết hôn sau một thời gian yêu đương. Hiện tại, họ đã có ba con, nhưng việc nuôi con với họ thực sự khó khăn vì chúng ở các giai đoạn phát triển khác nhau, có những tính cách và sở thích khác nhau. Vì thế, Charlene và chồng đã phải nỗ lực để cân bằng sự quan tâm tới cả 3 con, phát huy hết khả năng của mình. Con gái út của họ cũng bị điếc, Charlene dạy hai con trai lớn cách vẫy tay chào hoặc gõ nhẹ trên vai em để thu hút sự chú ý. Các con của Charlene có thể sử dụng ngôn ngữ cử chỉ để nói chuyện với nhau. 

"Tôi cũng giải thích với các con rằng em của chúng có thể không hiểu điều gì đang xảy ra và sẽ tốt nếu chúng có thể lặp lại với em một cách kiên nhẫn cho đến khi em hiểu được toàn bộ câu chuyện. Mặc dù nuôi 3 con là một thử thách, tôi vẫn cảm thấy vui và rất thành công", bà mẹ giàu nghị lực tâm sự.

Từ chính những trải nghiệm của mình, Charlene khuyên các bố mẹ có con khuyết tật hãy chăm sóc và nuôi dạy con với chính những khả năng mà con có, giúp chúng phát huy năng lực và mang lại điều tốt nhất với sự hỗ trợ từ bố mẹ.