Dân Việt

Mức phạt hành chính tối đa 2 tỷ đồng

13/10/2011 06:18 GMT+7
(Dân Việt) - Mức phạt tối đa trong vi phạm hành chính có thể được nâng từ 500 triệu đồng hiện nay lên đến 2 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, tăng mức phạt là hợp lý để tăng tính răn đe và phù hợp với tình hình “trượt giá”...

Đó là nội dung được thảo luận tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) chiều 12.10 về Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo Luật này áp dụng cho 17 nhóm lĩnh vực, thay thế Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính hiện hành.

img
Mức xử phạt vi phạm hành chính sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng lên.

Liệu có khả thi?

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, mức phạt tối thiểu tăng từ 10.000 đồng lên 50.000 đồng đồng; mức phạt tối đa từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng. Trong đó, mức phạt tối đa được áp dụng trong 5 lĩnh vực là: Quản lý các vùng biển và thềm lục địa; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; rừng, lâm sản; tiền tệ, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán; tài nguyên nước, dầu khí và các khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, đất đai.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, mức phạt như vậy là “quá cao so với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như thu nhập của nhân dân”.

Ông Lý còn cho rằng, nếu chỉ chú trọng vào mức xử phạt cao mà không quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật… thì sẽ không đạt mục đích giảm vi phạm mà còn tạo bất lợi về nhiều mặt, đẩy người vi phạm đến đường cùng.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn dẫn mức phạt đối với vi phạm của ngư dân được quy định trong dự thảo lên đến 2 tỷ đồng và cho rằng: “Ngư dân đánh cá có con tàu, mấy tấm lưới, lấy tiền đâu ra mà nộp phạt… Đừng nên đề ra những cái mà không thực hiện được”.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng và một số ý kiến khác lại đồng tình với việc tăng mức xử phạt cao để tăng thêm tính răn đe, để sớm tạo một xã hội có kỷ luật hơn. Tiếp thu ý kiến về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường vẫn mong QH tăng khung xử phạt để dự thảo luật có “tuổi thọ” dài trong điều kiện kinh tế, xã hội đất nước thay đổi nhanh. Tuy nhiên, một số mức xử phạt đối với hành vi cụ thể sẽ được sửa đổi.

Vấn đề mức phạt đặc thù (tối đa không quá 2 lần, đối với các lĩnh vực như giao thông, đô thị, môi trường) tại các thành phố trực thuộc trung ương mà cơ quan soạn thảo lo lắng bị “bác” lại được hầu hết các ý kiến đồng tình. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phân tích: “Hậu quả hành vi vi phạm phụ thuộc vào tính chất hành vi, thời điểm, địa điểm thực hiện. Cùng hành vi đó thực hiện ở Hà Nội nguy hiểm hơn thì mức xử phạt cao hơn”.

Đề xuất xử phạt bằng lao động công ích

Dự thảo luật quy định không nên áp dụng hình thức đưa những người bán dâm vào trung tâm chữa bệnh bắt buộc cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Cơ quan soạn thảo và một số ý kiến cho rằng quy định này sẽ đảm bảo hơn quyền tự do, dân chủ cho công dân và vì không phải gái mại dâm nào cũng có bệnh.

Dự thảo Luật cũng mở rộng đối tượng và mức tiền được phạt đối với các vị trí công tác tại các cơ quan chức năng; có vị trí được tăng thẩm quyền phạt lên 200 lần. Nhiều ý kiến của TVQH cho rằng cần phải rà soát kỹ vấn đề này và có biện pháp kiểm soát để tránh hiện tượng tiêu cực trong xử phạt.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng lại lo ngại vấn đề này. Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cho rằng nếu để những người bán dâm nhiễm HIV tiếp tục hành nghề sẽ làm lây lan bệnh tật cho xã hội. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề xuất có biện pháp xét nghiệm, chẩn đoán bệnh bắt buộc để sàng lọc và có biện pháp hợp lý hơn.

Dự thảo luật cũng đưa ra hình thức xử phạt mới là buộc người vi phạm phải lao động công ích. Tuy cơ quan soạn thảo “tha thiết”, nhưng cơ quan thẩm tra chỉ ra rằng điều này trái với công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế mà Việt Nam tham gia là: “Mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người buộc phải làm do một quyết định của tòa án”. Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị bỏ quy định này vì “không lấy đâu ra người mà giám sát”.