Trước đó, báo Dân Việt ngày 4.10.2017 có bài phản ánh: "Việt Nam có tới gần 2/3 tổng số lao động làm việc ở khu vực phi chính thức với năng suất lao động thấp, không được pháp luật bảo vệ, tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững. Điều này đặt ra vấn đề phải thúc đẩy chuyển dịch lao động phi chính thức sang chính thức nhằm bảo vệ quyền lợi lao động, thúc đẩy kinh tế quốc gia".
Lao động phi chính thức là lao động tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng BHXH, BHYT hay hưởng lương cố định (ảnh minh họa). Ảnh: M.N
Theo đó, bài viết trích dẫn số liệu báo cáo quốc gia của Tổng Cục thống kê trong năm 2017 cho thấy, Việt Nam có hơn 54 triệu lao động, trong đó có gần 40 triệu lao động phi chính thức (20 triệu lao động nông nghiệp), có hơn 13 triệu lao động chính thức. Đáng nói, có tới 6 triệu lao động dù làm việc trong khu vực chính thức nhưng lại là “lao động phi chính thức” vì không được ký hợp đồng, hoặc được ký hợp đồng nhưng lại không được đóng BHXH, BHYT….
Mặc dù lao động phi chính thức tại Việt Nam có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2014-2016 (giảm từ 58,8% năm 2014 xuống còn 57,2% năm 2016) nhưng tốc độ giảm còn chậm. Bài viết nhấn mạnh, con số này có thể sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới nếu Việt Nam có những động thái tích cực trong việc thúc đẩy chuyển dịch việc làm.
Cũng trong báo cáo của Tổng Cục thống kê, có hơn 90% lao động phi chính thức là lao động không có chuyên môn, kỹ thuật. Hiện tại, tỷ lệ việc làm phi chính thức ở Việt Nam và Trung Quốc ngang nhau (khoảng 58%). Riêng ở khu vực Đông Nam Á, con số là tương đối lớn. Thậm chí một số quốc gia trên thế giới như ở châu Phi, có những quốc gia có tỷ lệ lao động phi chính thức lên tới 90%.
Bài viết cũng dẫn ý kiến từ các chuyên gia lao động quốc tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, tính phi chính thức từ lâu đã được coi là một đặc điểm phổ biến của nền kinh tế - xã hội của các nước đang phát triển như Việt Nam. Tỷ lệ phi chính thức cao có tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nguồn thu ngân sách và các hoạt động của chính phủ, đặc biệt là về khía cạnh chính sách kinh tế - xã hội và môi trường, cũng như tính lành mạnh của thể chế và sự cạnh tranh công bằng trên thị trường quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Việt Nam chính là dù có một lượng lớn lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ (khu vực vốn được coi là khu vực chính thức) nhưng lại là lao động phi chính thức vì không có hợp đồng, không được đóng BHXH, BHYT… Phần lớn lao động này làm thời vụ, không ký hợp đồng, bị trốn đóng BHXH. Bà Sandra Yu – chuyên gia lao động của ILO tại Bangkok (Thái Lan) cho rằng, sự chuyển dịch không chỉ đảm bảo quyền lợi cho lao động mà còn góp phần phát triển đất nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải rút bớt lao động phi chính thức, chuyển lao động phi chính thức sang chính thức.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu vấn đề báo nêu.