Thủ khoa… về vườn
Chuyện của thủ khoa Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội 2 Bùi Thị Hà (TP.Hà Giang) sau một năm tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu hiện vẫn ở quê chăn lợn đang là đề tài khiến dư luận xôn xao, bàn cãi.
Kiến thức trong nhà trường chưa hẳn đã đi kèm với kinh nghiệm trong công việc khi tốt nghiệp với các sinh viên. (ảnh minh họa). Ảnh: N.T
Được biết, Hà từng là thủ khoa đầu vào của trường này, từng được nhận học bổng tiếp sức đến trường của Thành đoàn Hà Nội, được nhận học bổng của Quỹ Hỗ trợ đào tạo Nhật Bản dành cho sinh viên nghèo có thành tích tốt. Không những thế, trong thời gian học tập, Hà còn được giải Nhì cuộc thi tài năng khoa học trẻ của trường và tốt nghiệp ĐH với tấm bằng xuất sắc. Năm 2016, em là 1 trong 100 thủ khoa được Hà Nội Vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, Hà đã phải rong ruổi vác hồ sơ xin việc gõ cửa các sở ngành liên quan, em cũng từng viết tâm thư gửi đến Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh để nói về mong muốn của mình là trở thành cô giáo và được dạy học trên chính mảnh đất Hà Giang. Tuy nhiên, sau 1 năm, cô thủ khoa nghèo vẫn phải trả lời khi có người hỏi đến công việc là: “Em vẫn ở nhà chăn lợn”.
Nói về trường hợp của Hà, lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Hà Giang, ông Vũ Văn Sử cho biết, Hà là một trường hợp đặc biệt, học giỏi và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, em vẫn phải chờ có đợt thi tuyển tới đây: “Hiện việc thi tuyển công chức không đặc cách đối với thủ khoa, tất cả đều công bằng” – ông Sử nói.
Thủ khoa Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Bùi Thị Hà. Ảnh: N.T
Câu chuyện tìm việc của cô thủ khoa nghèo đã nhận được không ít ý kiến trái chiều. Người thì trách Hà thụ động, chỉ biết ngồi chờ đợi, có ý kiến lại cho rằng chính sách chiêu mộ nhân tài của địa phương và ngành giáo dục đang bị… bỏ ngỏ. Sau khi biết chuyện, nhiều đơn vị, trường học dân lập đã có lời mời em về làm việc. Tuy nhiên, nguyện vọng của Hà vẫn là được làm việc tại Hà Giang, gần gia đình.
Đáng tiếc, Bùi Thị Hà không phải là trường hợp cá biệt, trước đó đã có không ít trường hợp cử nhân ra trường với tấm bằng xuất sắc, được vinh danh rồi… thất nghiệp.
Đó là trường hợp của em Chu Thị Yến (Việt Yên, Bắc Giang) – thủ khoa kép ngành kỹ thuật viễn thông Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội. Năm 2011, Yến là thí sinh đạt điểm đầu vào cao nhất khoa 23,5 điểm. Tổng kết 4 năm học đại học em đạt 3.64/4.0 và tốt nghiệp loại xuất sắc với số điểm cao nhất khoa, trở thành “thủ khoa kép”. Cũng giống như Hà, Yến từng được Hà Nội vinh danh cùng hàng trăm thủ khoa khác tại Văn Miếu. Tuy nhiên, sau lễ vinh danh, suốt 3 tháng Yến gửi hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng không có kết quả. Gia đình khó khăn, Yến đã phải tính đến việc cất bằng đi làm lao động phổ thông.
Trường hợp của thủ khoa Đồng Thị Ngân (sinh năm 1991 tại Hải Dương) cũng tương tự. Năm 2009, Ngân đỗ ĐH Thương mại chuyên ngành tài chính ngân hàng với số điểm cao. Ngân từng được nhận giấy khen sinh viên có thành tích học tập xuất sắc toàn khóa năm 2009 – 2013, nhận học bổng dài hạn STF-KFC năm học 2011 – 2012 và có công trình nghiên cứu khoa học năm học 2010 – 2011 đạt loại khá. Tốt nghiệp ĐH với tấm bằng xuất sắc và được vinh danh, nhưng sau đó dù rất chật vật, em cũng không thể tìm được việc đúng chuyên môn mà phải làm việc “chân tay” như những người không có bằng cấp.
Năm 2013, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, Lê Văn Ngọ cũng tốt nghiệp với điểm trung bình 8,77 xếp loại giỏi nhưng cũng không có được việc làm. Ngọ phải tự nuôi sống bản thân và gia đình với công việc phổ thông cùng mức lương 1,5 triệu đồng. Sau khi dư luận lên tiếng, Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó đã đồng ý nhận Ngọ vào làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải.
Không ai trả lương cho “học điểm cao”
Là thủ khoa nhưng Ngân, Ngọ, Yến, Hà chỉ là những “giọt nước” trong tổng số hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp mỗi năm. Theo thống kê mới nhất của Bộ GDĐT, hiện tại, con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đã lên tới 200.000 người. Riêng ngành sư phạm, dự tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 70.000 sinh viên ra trường không có việc làm.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, các chuyên gia giáo dục cho rằng, nguyên nhân thủ khoa thất nghiệp một phần là do các em thiếu kỹ năng xin việc, quá tự tin vào tấm bằng mà từ chối những cơ hội thử sức cho mình.
TS Lê Thống Nhất – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trường học lớn Việt Nam, đơn vị vừa có lời mời thủ khoa Bùi Thị Hà về làm việc cho rằng, sinh viên tốt nghiệp đừng nên câu nệ mình phải làm công chức hay viên chức nhà nước mà hãy quan tâm đến các thông tin tuyển dụng của các đơn vị ngoài nhà nước.
TS Nhất phân tích, hiện một số tỉnh thành đã có quy chế riêng cho những thủ khoa, thậm chí là những người tốt nghiệp loại giỏi. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là quy chế chung cả nước. Vì vậy, việc các em phải chờ đợt tuyển dụng không thể trách móc địa phương được. “Cung và cầu trong ngành sư phạm đang mất cân đối. Dự báo về số sinh viên tốt nghiệp dôi dư trong tương lai còn lên đến hàng vạn. Chính vì vậy các nhà hoạch định chính sách cũng cần quan tâm đến vấn đề này” – TS Nhất nói.
Ở khía cạnh khác, TS Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây lại cho rằng, việc đạt thủ khoa đã chứng tỏ nỗ lực học tập của các em, nhưng cuộc sống thực sẽ không ai trả lương cho việc học thi lấy điểm cao mà trả lương cho những người hoàn thành tốt công việc và mang giá trị cho cuộc sống. Thi điểm cao không có nhiều giá trị. Thế nên việc em đạt thủ khoa không có gì đảm bảo cho việc em chắc chắn có việc làm tốt vì đó là hai việc khác nhau.
“Cuộc sống luôn thay đổi và biến động. Em có thể là học sinh giỏi ở tiểu học, nhưng không chắc sẽ là học sinh giỏi cấp trung học, học sinh giỏi cấp trung học thì không chắc đã học hỏi ở đại học, và học giỏi ở đại học cũng không có gì chắc chắn sẽ thành công trong công việc tương lai” – TS Minh bày tỏ.
Ông Minh cũng khuyên rằng, không chỉ các thủ khoa như Hà, các cử nhân ra trường ngoài kiến thức cần trau dồi kỹ năng thật tốt để có thể dễ dàng hòa nhập với các môi trường làm việc khác nhau, không nên máy móc, thụ động và chờ đợi.
Đào tạo chưa gắn với nhu cầu lao động “Thủ khoa còn thất nghiệp thì liệu hàng trăm sinh viên khác xếp bên dưới thủ khoa sẽ như thế nào? Phải chăng việc đào tạo lâu nay hoàn toàn không gắn với nhu cầu lao động về mặt số lượng, chất lượng. Chính nhà trường chưa biết cách truyền thông những "sản phẩm" có chất lượng ra ngoài thị trường, chưa gắn được những hoạt động đào tạo với cơ sở sử dụng nhân lực?”. Ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp
“Doanh nghiệp nhiều khi rất sợ khi gặp những hồ sơ xin việc “sáng choang” bảng thành tích học tập nhưng lại chỉ có vài dòng kinh nghiệm thực tế. Các em thường than phiền rằng đi xin việc ở đâu cũng ưu tiên người có kinh nghiệm, nếu không ai cho các em làm thì lấy đâu ra kinh nghiệm? Nhưng, các em không hiểu là kinh nghiệm ở đây không đánh giá ở chuyên môn vì muốn có chuyên môn tốt phải ít nhất một vài năm làm việc. Kinh nghiệm ở đây là sự va chạm thực tế, ở kỹ năng giao tiếp, cách ứng xử. Có thể em xin vào công ty xây dựng, nhưng chúng tôi đánh giá cao một hồ sơ có “dấu vết” của 2 năm làm chạy bàn ở quán cà phê, 1 năm làm PJ bán hàng... hơn là một hồ sơ được học lực 4 năm ĐH loại giỏi chuyên ngành”. Ông Lê Văn Cương – Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây lắp
Cần thoát khỏi tư duy lối mòn "Thủ khoa là sản phẩm tốt nhất của một trường ĐH, thế nhưng tại sao khi ra trường lại không thể kiếm được việc làm? Đó chính là do tư duy lối mòn khi sinh viên thiếu kiến thức thực tế, thiếu kỹ năng giao tiếp. Khi thiếu những điều này, các em sẽ không thể tham gia ứng tuyển vào bất cứ đơn vị sự nghiệp nào. Hiện, các doanh nghiệp đang thiếu rất nhiều nhân viên, nhưng lại vô cùng khó khăn khi tuyển người đặc biệt là sinh viên mới ra trường vì các em không có bất kỳ kỹ năng thực tế nào mà chỉ áp dụng một cách máy móc sách vở vào công việc”. TS Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng ĐH Thành Tây |