Dân Việt

Hà Nội dùng máy bơm hút nước khỏi vùng ngập Chương Mỹ

Xuân Hoa 17/10/2017 07:31 GMT+7
Chủ tịch TP.Hà Nội dự kiến di dời người dân ở vùng trũng để tránh thảm hoạ ngập lụt.

Sau 5 ngày nước lũ tràn đê và gây vỡ đê, 8 thôn thuộc 2 xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) vẫn chìm sâu trong nước. Tình trạng thiếu nước sạch và điện diễn ra ở nhiều thôn xóm. Ba trường học ở xã Nam Phương Tiến vẫn bị đóng cửa.

img

Dự kiến khoảng 10 ngày nữa, một số xã thuộc huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội mới hết cảnh ngập úng. Ảnh: Nhật Quang

Chủ tịch UBND xã Tân Tiến Nguyễn Văn Mạnh cho biết, ngập lụt cô lập khoảng 1.000 hộ dân, hàng trăm hécta hoa màu, thủy sản mất trắng, hàng vạn con gia cầm, gia súc bị chết.

“Thiếu điện, thiếu nước khiến đời sống của các hộ dân gặp vô vàn khó khăn. Trong khi đó, học sinh trong xã vẫn chưa có trường lớp để học”, ông Nguyễn Huy Phong (Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến) nói.

Thị sát tại hai xã trên chiều 16.10, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành máy bơm hết công suất, sớm giải cứu người dân 8 thôn còn bị nước cô lập. Với năng lực các máy bơm hiện tại, khoảng 10 ngày nữa nước mới được rút hết.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Sở Y tế chuẩn bị vật tư để nước rút đến đâu thì tẩy rửa, phun thuốc đến đó, không để nảy sinh dịch bệnh. Chính quyền xã và huyện Chương Mỹ tiếp tục thống kê thiệt hại của nhân dân trong đợt mưa lũ, báo cáo thành phố đưa ra biện pháp hỗ trợ.

Ông Chung cho rằng, trận mưa lũ lịch sử năm 2008 và đợt mưa lũ năm nay gây thiệt hại nặng nề cho bà con 2 xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến, nên về lâu dài phải di dời dân ở vùng trũng lên vị trí cao hơn, diện tích thường xuyên ngập lụt sẽ quy hoạch chăn nuôi.

“Tới đây, thành phố sẽ tìm nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật để di dời dân lên vị trí cao hơn. Còn cứ để người dân sinh sống, học tập ở khu vực này mỗi lần mưa lụt gây thiệt hại rất lớn”, ông Chung nói.

Từ ngày 9 đến 12.10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to. Tại Bái Thượng (Thanh Hóa) mưa trong hai ngày tới hơn 500 mm, Hòa Bình trên 450 mm. Hồ Hòa Bình lần đầu tiên kể từ khi xây dựng phải mở 8 cửa xả đáy vào trưa 11.10.

Nhiều khu vực ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội bị ngập sâu, có nơi tới 2 m. Miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Tính đến cuối ngày 15.10, mưa lũ làm 73 người chết, 29 người mất tích, 33 người bị thương, chủ yếu ở Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa.