Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, giải pháp thu phí ô tô vào trung tâm không phải là giải pháp mới mà nằm trong gói tổng thể của chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010-2015. Giải pháp được Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong nghiên cứu, đề xuất thực hiện và đã lấy phản biện, nhưng có nhiều điều cần phải bổ sung cho phù hợp.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường chia sẻ thông tin với báo chí.
Hiện nay, đề án thu phí ô tô vào khu vực trung tâm thành phố tiếp tục được đưa vào nghiên cứu, đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2015-2020. Cụ thể hơn, đây là giải pháp nằm trong gói tổng thể thuộc đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân. Sau khi nhận được đề xuất từ Công ty Tiên Phong, sở đã góp ý và gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM để phản biện.
“Chúng ta cần lắng nghe, cần cởi mở với đề xuất này. Đây không phải là giải pháp để tăng thu kinh tế mà là kiểm soát nhu cầu đi lại bằng phương tiện cá nhân. Quan điểm của sở là ủng hộ đề xuất này nhưng cũng phải cân nhắc. Các giải pháp cụ thể như thời điểm thu, giá thu, các cổng thu, đối tượng thu, chúng tôi sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp. Sau khi Mặt trận Tổ quốc phản biện, chúng tôi sẽ tổng hợp báo cáo thành phố”, ông Cường cho hay.
Cũng liên quan đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm thành phố, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM cùng Hội Cầu đường cảng TP.HCM đang lên kế hoạch tổ chức một buổi hội nghị đánh giá về hiệu quả cũng như các giải pháp góp ý cho đề án này. Quan điểm của các đơn vị này là ủng hộ giải pháp mới nhưng phải cân nhắc, có lộ trình và giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại thành phố.
Trước đó, Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong vừa trình UBND TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố nhằm hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung tâm, thúc đẩy người dân đi lại bằng phương tiện công cộng. Theo đề án, công ty này đề xuất áp dụng thu phí từ 6h đến 19h với mức thu từ 40.000 đồng đối với ôtô cá nhân, 30.000 đồng đối với taxi và 50.000 đồng đối với xe tải và xe buýt thương mại.
Để thu phí, thành phố sẽ xây dựng 36 cổng thu phí đa làn, tự động không dừng và một trung tâm điều hành kết nối với các cổng thu phí, xử lý thông tin và quản lý hoạt động thu phí. Hệ thống cổng thu phí sẽ được bố trí trên một vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm thành phố, gồm các tuyến đường Hoàng Sa đến đường Nguyễn Phúc Nguyên, Cách Mạng Tháng Tám, đường Ba Tháng Hai, đường Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, đường Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất…
Tổng mức đầu tư của đề án này gần 1.800 tỷ đồng theo hình thức PPP (Nhà nước và tư nhân cùng làm), BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong thời hạn 15 năm. Dự kiến giai đoạn xây lắp là năm 2018-2019 và giai đoạn khai thác (bắt đầu thu phí) là năm 2019-2034.