GS -TS Nguyễn Hữu Khiển. (Ảnh: báo Hải quan)
Thưa GS, để thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã, huyện như chủ trương của Hội nghị T.Ư lần thứ 6 khóa XII, một trong những vấn đề quan trọng là lựa chọn được người phù hợp vào chức danh đó, ông nghĩ sao?
- Thực tiễn cao hơn lý luận nhiều. Thực tiễn là gì? Liên quan đến chủ trương nhất thể hóa, tôi cho rằng thực tế nhỡn tiền là: Bộ máy của ta cồng kềnh, ít hiệu quả. Còn sâu xa hơn có thể có mấy vấn đề sau:
Một là Đảng ta là đảng cầm quyền. Cũng như các quốc gia dân chủ khác, đảng cầm quyền sẽ có tiếng nói quan trọng trong việc quyết định bộ máy công quyền. Những vị trí của lập pháp, hành pháp và tư pháp đảng cầm quyền sẽ nắm.
Tuy vậy, chúng ta vẫn rơi rớt mô hình cũ, cách hiểu của thời kì tập trung. Nghĩa là Đảng cầm quyền ngoài việc đưa người của Đảng nắm vị trí trọng yếu, Đảng phải có bộ máy riêng, đầy đrủ những mảng công việc như bên nhà nước. Bộ máy này nhiều năm qua, nhất là sau chuyển đổi cơ chế, bộc lộ nhiều khiếm khuyết như Đảng đã chỉ ra.
Nhưng khắc phục thì rất mắc. Cơ chế song trùng thấy cồng kềnh thì giảm đi từ từ. Nhưng chừng nào còn có một bộ máy Đảng riêng thì không tránh khỏi việc lấn sân, Đảng làm thay Nhà nước. Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh - Đà Nẵng vừa rồi chỉ là bề nổi. Nhiều nơi tình trạng lãnh đạo không đoàn kết cũng do "lấn sân" như vậy.
Nếu nhất thể hóa được sẽ hết chồng chéo, lấn sân. Nhưng phải nhất thể bí thư kiêm chủ tịch và chịu sự giám sát của nhân dân và HĐND. Tôi chưa thấy nói nhất thể hóa chức vụ thì bộ máy giúp việc ở vị thế gì, công quyền hay chính trị? Như tổ chức bên tỉnh ủy và nội vụ của bên UBND. Không thể gọi là Ban Tổ chức tỉnh ủy, Hay huyện ủy được. Hay kiểm tra và thanh tra chính phủ cũng vậy...
Một người lãnh đạo kiêm hai chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND thì cần có năng lực gì so với chỉ làm Bí thư hoặc Chủ tịch UBND, bởi để làm tròn cả hai vai không phải đơn giản, thưa ông?
- Theo tôi chúng ta không nên lo cái đó. Bên Lào họ làm từ lâu rồi mà. Khi chúng ta làm thì đương nhiên phải có cơ chế điều chỉnh giám sát bằng luật. Có cơ chế tuyển chọn và chịu trách nhiệm pháp lý, không phải bằng nghị quyết. Luật phải có chế tài. Dấu hiệu vi phạm tùy theo mức độ là phải cảnh cáo, điều chuyển, cách chức… Ngoài ra chúng ta không thiếu người có năng lực để thay thế.
Nếu tiến hành nhất thể hóa sẽ không tránh khỏi sự động chạm đến lợi ích. Giải pháp để thực hiện vấn đề này không hề đơn giản, thưa ông?
- Là vì người có chức lại là người đi bàn việc giảm các chức, giảm quyền lợi ấy đi thì nó như thế thôi. Đang đi xe lại bảo đi tự túc thì họ sẽ không chịu.
Còn về giải pháp và cơ chế để thực hiện việc đó theo tôi cũng không khó. Cứ người làm được thì ở lại, người không đủ năng lực thì có giải pháp, lộ trình giải quyết cho họ chứ không phải tinh giản ngay lập tức.
Một vấn đề đặt ra khi thực hiện mô hình nhất thể hóa là vấn đề kiểm soát quyền lực để tránh tình trạng lạm quyền. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi cho rằng chúng ta hiểu kiểm soát quyền lực là vấn đề tư duy chính trị chứ không phải vấn đề pháp lý. Kiểm soát quyền lực là các nhánh quyền lực bị kiểm soát, không quyền nào là vô hạn. Quốc hội phải bị dân kiểm soát. Chính phủ chịu sự kiểm soát của Quốc hội. Và như vậy phải có Toà án hiến pháp. Tòa án phải do Quốc hội kiểm soát. Địa phương cũng vậy, nếu có mắc cần sửa luật về kiểm soát cũng cần làm.
Còn nếu vẫn hiểu Đảng kiểm soát quyền lực như một thể chế là lại không tinh giản được. Đảng kiểm soát là kiểm soát chính trị, kiểm soát người mình đưa vào. Có vấn đề thì phải xử lý. Còn kiểm soát quyền lực nhà nước là một tất yếu pháp lý dân chủ. Dân là cao nhất; không quyền nào là vô hạn. Phải có cơ chế pháp lý để quyền này giám sát quyền khác. Đừng nên hiểu là các quyền “làm khó cho nhau”.
Xin cảm ơn GS (!)