Đeo đẳng “nghiệp” ca trù gần 20 năm có lẻ, hiện nghệ nhân dân gian Thu Hằng đã tạo dựng được cho mình một vị trí đáng kể trong làng ca trù với 4 Huy chương vàng các kỳ liên hoan ca trù toàn quốc. Nhưng để có được thành công đó, là một chuỗi ngày dài tập luyện miệt mài.
Thế hệ học trò đầu tiên
Từ cuối những năm 90 của thế kỷ 20, khi câu lạc bộ ca trù Hải Phòng mới đang manh nha được thành lập với sự góp sức của các nghệ nhân Giang Thu, Trần Trọng Quế, Nguyễn Thị Chín, Đỗ Quyên thì Thu Hằng chính là thế hệ những học trò đầu tiên.
Không quản ngại, đều đặn tuần ba buổi Thu Hằng đến nhà của nghệ sĩ Đỗ Quyên ở khu tập thể Đổng Quốc Bình để tập hát. Cô trò vừa luyện phách, vừa tập nhả chữ, uốn câu “chay” cho đến khi học thuộc lòng bản đầu tiên rồi sau đó mới đến gặp thầy Quế để tòng đàn.
Cứ từng bước miệt mài như vậy, nữ doanh nhân sắc sảo trên thương trường ngày một đằm thắm, tài danh hơn trên chiếu điều nghệ thuật.
Mỗi khi CLB tổ chức Lễ giỗ tổ nghề, mừng thọ các nghệ nhân hoặc tổ chức các canh hát lớn để đưa ca trù đến với công chúng, các anh chị em hội viên lại tự nguyện đóng góp kinh phí để tổ chức. Tất nhiên Thu Hằng luôn là người “tay đao giáo ngựa” lo lắng từ kinh phí đến tổ chức sao cho các hoạt động này vừa trang trọng, vừa ấm áp nghĩa tình. Chị lo toan cho câu lạc bộ, chăm lo cho những đứa em đồng môn như người ruột thịt của mình.
Nghệ nhân dân gian Thu Hằng trong một buổi biểu diễn. (Ảnh: CTV)
Khán giả sẽ nhớ mãi lần cùng Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng dự Liên hoan ca trù lần đầu tiên năm 2005 được tổ chức tại Khu di tích Nguyễn Du tại xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Lần ấy, tiếng hát Thu Hằng đã khiến cho Ban giám khảo hết sức ngỡ ngàng. Giọng hát đầy cảm xúc của chị khi đó, được đánh giá như một tài năng mới của nghệ thuật ca trù. Giọng hát sáng, có nội lực, cách nhả âm, luyến chữ đạt đủ độ vang, rền, nền, nảy của ca nương đất Cảng đã thuyết phục được các nghệ nhân dân gian.
Từ kỳ liên hoan đó cho tới sau này, mỗi lần bước lên sân khấu với một thể cách khác nhau, song “màu” ca trù xứ Đông qua giọng hát Thu Hằng luôn khiến cho người nghe xuýt xoa. Ấy là chưa kể người ca nương ấy còn có một gương mặt khả ái đượm buồn trong bộ áo the hường khiến không gian canh hát như lãng đãng cổ xưa.
Học từ các nghệ nhân, học từ băng đĩa rồi tự mình tìm ra lối đi riêng, các thể cách ca trù như Bắc phản, Hát nói, Thổng, 36 giọng, Thét nhạc, Hát giai, Tỳ bà hành... lần lượt bị Thu Hằng “chinh phục”. Có lẽ chính nhờ giọng hát trời cho và sự cẩn trọng, nghiêm túc luyện tập, rèn luyện nghệ thuật nên tại liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011, Thu Hằng được trao danh hiệu “Đào nương có giọng hát ca trù hay nhất Việt Nam”.
Tay phách nhịp, tay gây dựng sự nghiệp
Ấy thế mà chị lại còn là một doanh nhân. Tôi có cảm giác, thật hiếm có ca nương nào lao tâm khổ tứ với “nghề tay trái” này như chị. Bởi tôi biết việc duy trì một doanh nghiệp và lo đời sống cho gần 30 lao động không hề đơn giản.
Chị tâm sự, nhiều lúc đang tập lại vội vàng buông phách quay về để xử lý một đơn hàng nào đó hoặc thuyết phục một vị khách khó tính. Ấy là chưa kể gia đình cũng không ủng hộ chị theo học loại hình vẫn còn ít nhiều mặc cảm này.
Vượt lên tất cả, có lẽ khát vọng níu giữ nghệ thuật ca trù, niềm đam mê nhạc cổ đã tạo cho chị lòng kiên trì, sự say nghề và ý thức trách nhiệm gìn giữ tinh hoa cổ nhạc dù phải vượt qua bao khó khăn, vất vả.
Từ thực tế trải nghiệm của bản thân lại học qua nhiều phương pháp truyền dạy khác nhau, chị đã tự hệ thống lại ưu khuyết của từng phương pháp rồi viết nên một giáo trình truyền dạy được đánh giá là hợp lí và đạt hiệu quả cao. Chị tham gia truyền dạy ca trù cho các em học sinh khóa đầu tiên trong câu lạc bộ ca trù Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ của quận Lê Chân theo một dự án đầy ý nghĩa và nhân văn là “đưa ca trù vào giảng dạy tại các trường học nhằm tạo nguồn bồi dưỡng nhân tài cho môn nghệ thuật bác học này trong tương lai”.
Lần gần đây nhất tôi được chứng kiến Thu Hằng biểu diễn cùng Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng là trong canh hát cửa đình lần đầu tiên được phục dựng tại đình Hàng Kênh năm 2014. Đêm hôm ấy, sân đình huyền ảo với những chiếc đèn lồng màu đỏ với thứ ánh sáng vừa phải được treo cao trên các lối đi. Người xem ngồi chật kín hai bên chái đình cũng như ngoài sân trước.
Trên sân khấu lòng thuyền trước hương án đình, người ca nương ấy đã đứng hát những câu hát thờ đầy thành kính. Cảm giác của tôi lúc nghe chị hát ấy thực sự hưng phấn và lôi cuốn bởi tôi biết chị đã và đang thực hiện được điều chị tâm nguyện bấy lâu là đưa ca trù trở về với những giá trị trân quý vốn có của nó và được mọi người đón nhận.
Năm 2016, chị vinh dự được Hôi văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cao quý cho tài năng và nỗ lực bảo tồn, phát huy vốn cổ ca trù. Chị tham gia ngày càng nhiều hơn các hoạt động biểu diễn ca trù tại các sân khấu lớn hoặc các canh hát giới thiệu vẻ đẹp của nghệ thuật ca trù cho đại sứ các nước Mỹ, Pháp, Nhật... tại Việt Nam.
Vẫn vẻ mặn mà, đằm thắm trong chiếc áo the năm vạt cùng gương mặt búp sen, nụ cười ấm áp, tin cậy, chị cùng với các nghệ nhân, ca nương, nhạc công của nhóm “Đình làng Việt” tiếp tục làm nên nhiều canh hát đẹp, đem lại ấn tượng và những mỹ cảm sâu sắc cho khán thính giả người nước ngoài.
Chị thường nói vui với chúng tôi rằng: “Cổ nhân xưa nói, Trời đã trao tặng cho ai hai chữ Duyên - Nghiệp thì cứ vui vẻ mà đeo mang thôi. Bận lòng gì việc sẽ được gì, mất gì...”. Rồi chị hát hai câu hát nói trong bài thơ nổi tiếng của đại thần Nguyễn Công Trứ: “Giang sơn một gánh giữa đồng. Thuyền quyên ứ hự... anh hùng nhớ chăng?”.
“Nghệ nhân Thu Hằng dành nhiều huy chương vàng trong các hội diễn hát ca trù toàn quốc. Chị là người nghiêm túc trong hoạt động nghệ thuật, luôn tầm sư học đạo để trau dồi giọng hát. Không những hát hay Thu Hằng còn làm công tác giảng dạy, chị là người đầu tiên có giáo án dạy ca trù và đưa ca trù vào một số trường học để giảng dạy cho học sinh (ngày xưa không có giáo án). Hội văn nghệ dân gian Hải Phòng đã động viên chị làm hồ sơ để nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú", ông Nguyễn Đức Giang – Chủ tịch hội văn nghệ dân gian Hải Phòng. |