Thầm nghĩ: dùng con đường đang thi công này làm sân thi lấy bằng lái xe thì... chuẩn quá.
Ngày... tháng... năm...
Mai là giỗ cụ, cả nhà rồng rắn sang nhà bác trưởng ở xã bên. Khiếp, đường sá xã bên ấy "đẹp" dữ: chỗ này được được xới tung lên, chỗ khác thì lổn nhổn những đá hộc, đoạn khác nữa thì đá dăm phủ xốp mặt đường. Nhìn tay lái thằng cháu lạng lách rất có nghề trên con đường đang làm dở dang ấy, thầm nghĩ: dùng đường này làm sân thi lấy bằng lái xe thì... chuẩn quá. Làng đang phát triển, làng đang xây dựng có khác, chắc trong tương lai sẽ trơn láng mịn màng như da em bé đây. Khấp khởi mừng thầm cho tương lai xán lạn của quê hương dù đôi lúc vẫn thót tim vì tay lái thằng cháu bỗng bất chợt... ngoằn ngoèo.
Càng đi vào làng càng thấy dân làng này sướng quá, có một vị trí đắc địa ở gần đường lớn, làng được nhều chủ đầu tư ưu ái, họ rót hầu bao vào ầm ầm, xây dựng đủ thứ nhà máy. Khối hộ từ đó mà bỗng nhiên trở thành tỉ phú... tiền lẻ.
Biết bác trưởng là người thích nghe nịnh, mình bèn đem chuyện mở khu công nghiệp ở làng ra tán. Chẳng dè bị cả họ phủ đầu: "Nghiệp nghiệp cái nghiệt ấy". Chả hiểu ra làm sao nữa.
Đang bàn chuyện cỗ bàn thì nghe "xịch" một tiếng giữa sân, tất cả nháo nhác nhìn ra. Mình suýt không nhận ra đó là thằng út nhà bác trưởng vì nhìn nó như một dị nhân: Thằng bé cho cái áo gi-lê bò rất oách xà lách đi cặp với chiếc quần đùi ôm sát người, những lọn tóc bảy sắc cầu vồng lấp ló chui ra qua những lỗ hở trên chiếc mũ bảo hiểm xe đạp và chễm chệ ngồi trên chiếc xe máy to vật "mết-in hàng tàu", chân xỏ đôi dép tổ ong rách. Tóm lại nhìn thằng cháu rất đúng với dáng "dân chơi nửa mùa". Bác trưởng thấy con về thì rút dép ra nhử nhử:
- Mày có biến ngay về phòng rồi mặc quần áo vào không? Nhìn như cái thằng ở trại tâm thần ra.
Thằng bé đi lên phòng vẻ không bằng lòng:
- Mốt thời thượng đấy. Bố chẳng biết gì cả.
- A, thằng này láo.
Thằng bé đi khỏi, bác trưởng thở dài đánh thượt một cái:
- Khổ, từ bận có mấy đồng tiền đền bù. Tôi thương cháu, cho nó tiền để được nở mày nở mặt với thiên hạ. Nhưng nở đâu chưa thấy, chỉ toàn thấy lở thôi. Nghe đâu nó còn lập hội gì mà ưu phiền vì nhiều tiền ấy.
Bà mợ chen vào:
- Mày cũng chiều nó không phải lối, tiền đền bù tao đi gửi tiết kiệm rồi, lãi cũng đủ nhai trầu. À đấy, thế mấy con trâu thì nhà mày tính thế nào?
- Con cứ để đấy thôi, tự chăn, sau này bán thịt. Ngặt cái ở gần đây chả còn cỏ giả gì cho nó ăn nữa, con đang tính có khi phải trồng ít cỏ trên sân thượng cho chúng nó ăn mất thôi.
- Dở, sân thượng để mà lắp bàn bóng bàn chứ.
Mẹ mình có vẻ nóng ruột:
- Thôi tối rồi, có bàn chuyện cỗ bàn gì giỗ cụ thì bàn đi.
- Ôi dào, sao cứ phải lo. Cậu trưởng, ý cậu thế nào?
- Con cũng nói sơ với vợ chồng thằng cả rồi. Chúng nó bảo giờ bày vẽ chỉ tổ nhọc người ra. Tụi trẻ thì đi công ty cả, chả nhẽ lại để ấy cụ già ra mổ lợn? Vợ chồng nó đang tính lên phố thuê người ta làm cỗ, nhìn sang như cỗ cưới í. Các cụ thấy thế nào?
- Vớ vẩn, cả năm mới có một ngày giỗ cụ, vất vả gì mà không tập trung được.
- Khổ, vất lắm chứ. Chẳng thà cụ cứ để người ta làm cỗ, còn cụ cứ đủng đỉnh ngồi đây, con bật máy tính cho các cụ chơi game, thế chẳng sướng hơn sao?
- Loạn. Bây tưởng bây có tiền mà muốn làm gì thì làm à? Tao cần miếng ăn chắc?
- Ơ cụ...
Người bàn xuôi, kẻ bàn ngược. Trước uy của các bậc tiền bối, ý kiến nhàn - tiện - tốn của bác trưởng xem chừng cũng phải lung lay.
____________________
Trở về thành phố với bao nỗi ngổn ngang trong lòng, chủ nhân cuốn Nhật ký sẽ làm gì?
Đón đọc kỳ tới: Nhật ký phiêu lưu ký - P36: Phải cưới vì... "bệnh tưởng" vào sáng 20/10
Sau vài giây, xe đi êm ái trở lại. Rồi bất chợt nó lại chồm lên... Cứ thế vài lần, bà con trên xe la oai oái, túi ni-lon...