Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có buổi làm việc với Đoàn ĐBQH về những việc liên quan đến đất đai TP.HCM.
Sáng 18.10, tại Hội trường Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP Trương Vĩnh Tuyến đã có buổi làm việc với các thành viên của Đoàn ĐBQH cùng các sở ban ngành liên quan về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bao giờ chấm dứt "tay không bắt giặc"?
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, TP đã cấp được 188.898 hồ sơ cho các hộ gia đình, cá nhân (đạt 187,4% so với 6 tháng cùng kỳ năm ngoái). Cũng trong khoảng thời gian này, thành phố (TP) cấp được 10.895 hồ sơ cho các tổ chức (đạt 234,8% so với 6 tháng đầu năm 2016).
Tính đến thời điểm hiện tại, 17/24 quận, huyện báo cáo vẫn còn tồn đọng 42.131 hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, gần 15.000 trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay, hơn 21.000 hồ sơ vướng quy hoạch, vi phạm đất đai, 6.066 người dân không có nhu cầu cấp GCN. Ngoài ra, còn một số ít hồ sơ của các tổ chức cũng chưa được giải quyết.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ì ạch là do hồ sơ trễ hạn lớn, thực hiện được văn phòng một cấp, cấp đổi cấp lại, chuyển bằng hình thức qua bưu điện. Tuy nhiên việc thẩm định, trình lên sở mất nhiều thời gian so với yêu cầu.
Liên quan đến vấn đề nổi cộm nhất và nhức nhối trong thời gian gần đây là việc chủ đầu tư lấy dự án đi thế chấp GCN, Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định, hiện có tình trạng một dự án chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, lại đem thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nhưng không công khai cho khách hàng biết, đến khi người mua phát hiện và đi khiếu nại.
"Những dự án chưa giải chấp thì không thể cấp GCN cho cá nhân, nếu áp dụng nghị quyết giải quyết nợ xấu thì ngân hàng lấy tài sản, làm sao cấp GCN cho dân được. Tình trạng chủ đầu tư cứ tay không bắt giặc, người mua không có cơ hội thực hiện chính sách thế chấp vay tiền, phải có phương án xử lý", ông Lịch nói.
Tiến sĩ Lịch cũng cho rằng, từ khóa 12, TP đã vướng 2 vấn đề: "Khu 31 ha An Phú muốn cấp GCN cho hộ dân, chủ đầu tư phải hoàn thành hạ tầng thì nhà nước mới cấp giấy, các chủ đầu tư bầy nhầy không bàn giao, người dân ngồi chờ. Các anh làm ăn kém, bắt người dân làm con tin. Nhà đầu tư thì phần ai nấy thi công, băm nát giao thông, lộn xộn đến mức độ đường sá không tới được".
Ai quản lý 2 bờ sông Sài Gòn?
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đánh giá, hiện TP.HCM đang có nghịch lý ở chỗ, những người có nhu cầu hợp pháp thường bị chậm trễ, phiền nhiễu, nhiều trường hợp phải chung chi, lót tay, bôi trơn mới xong việc. Những người làm bừa làm càn, cho thuê, bán chuyển nhượng lấy tiền làm giàu thì không xử lý nổi, chậm, không xử lý được, phạt cho tồn tại rồi cấp phép cho phần không hợp pháp.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa "tâm tư" khi nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM "xé rào".
"Hơn 10 năm qua, vấn đề cản trở hội nhập, chờ đợi đất nước tuân thủ pháp luật hơn, nhưng càng hội nhập càng vi phạm pháp luật trắng trợn hơn. Tôi nghe nhiều ý kiến người dân phản ánh, nếu chậm xử lý, xử lý nương tay là khuyến khích người ta vi phạm làm cho gia tăng, ngày càng nghiêm trọng.
Vi phạm ngang nhiên, giữa ban ngày trên đất nước ta, phá cả rừng, lấp sông, lấn biển, xây những tòa nhà vượt hàng chục tầng giữa những đô thị lớn, vẫn cứ vi phạm. Riêng lĩnh vực đất đai, đặc biệt TP.HCM phải nghiêm túc xem xét lại vì tình trạng vi phạm pháp luật có tính lây lan, anh làm bậy tôi cũng làm bậy, chuyện này nhảy qua chuyện kia.
Thứ hai, có hiện tượng chung các bờ sông, bờ biển nhân hóa hết, TP.HCM có cuộc thi thiết kế bờ sông Sài Gòn bây giờ không biết đâu rồi, bất công vì bờ sông biến thành của một số người giàu. Việc này phá hỏng bộ mặt đô thị. Nhìn từ trên cao thấy sông Sài Gòn bị thu hẹp như thế nào. Hai bờ sông phải để cho cộng đồng, xây dựng mảng xanh, cho người dân đi dạo. Sắp tới biển Cần Giờ không khéo cũng bị như vậy", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Nghĩa cho rằng, việc quy hoạch kéo dài hành dân rõ ràng là yếu kém ở khâu quản lý. Ví dụ dự án lớn như Bình Qưới 25 năm qua dân không được xây dựng, chuyển nhượng, sửa chữa, đã đấu tranh nhưng tiếp tục treo.
“Tôi đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc quản lý hai bờ sông Sài Gòn tìm hiểu những khu vực nào đã cấp cho tư nhân, chỗ nào trở thành dự án tư nhân cộng đồng không được đi vào. Đến nay còn những khu nào, đã giải quyết lấn trái phép đến đâu, một số dự án bất động sản bán rất đắt, tình trạng như thế nào, đang xem xét cấp tiếp các dự án nào... để chúng tôi biết chính quyền làm là đúng luật hay sai luật, lỗi của TP hay của Trung ương, hay của ai trong việc quản lý hai bờ sông Sài Gòn”, ông Nghĩa nói.
Siêu dự án Thanh Đa - Bình Quới của Tập đoàn Bitexco treo 25 năm làm cho cuộc sống người dân nơi đây rơi vào cảnh khó khăn.
Cũng trong vấn đề liên quan đến sử dụng đất và lấn sông, Bí Thư Nhân chỉ đạo các ban ngành liên quan cần rà soát xung quanh và đối chiếu hiện trạng qua các thời kỳ 2006, 2010, 21017. Sau đó có những thống nhất, đề xuất để thực hiện trong thời gian tới.