Có lẽ từ đó người ta mới lấy năn làm thành món ăn. Lại kể, thời kháng chiến, những cán bộ hoạt động trong bưng biền đã dùng năn làm thành vài món ăn ngon.
Năn có hai loại là năn bộp và năn kim đều là giống cỏ mọc hoang trên những cánh đồng ngập mặn. Năn kim còn gọi là cỏ năn, cọng thon nhỏ, dài, màu xanh sậm, đầu nhọn như cây chông. Loại này mọc ở vùng đất nhiễm mặn, thường được trâu bò thả rông ăn. Còn năn má tôi mua từ chợ về là năn bộp, mà dân quê tôi gọi gọn là năn. Năn này có cọng suôn, tròn và lớn cỡ chiếc đũa, màu nâu non, mọc trên mảnh đất nhiễm phèn. Loại năn nầy mọc chen trong những mảnh ruộng hoặc các mảnh đất hoang trũng vào mùa mưa. Đời sống của chúng chấm dứt khi những cơn mưa cuối mùa kết thúc.
Năn bộp trắng tươi sẽ là món ăn ngon sau pha chế. Ảnh: TL
Đồ chơi của tôi từ cọng năn là dùng hai tay chà nhẹ cọng năn sao cho lớp vỏ của nó bong ra, rồi nhẹ tay gỡ bỏ, chừa lại phần vỏ lụa. Đầu vỏ lụa cọng năn được tôi khéo léo cột thắt chặt rồi ngậm gốc năn thổi mạnh. Vỏ lụa cọng năn khi đó bung thẳng, từng đợt, từng đợt, theo tùng hơi thở của tôi. Riêng gốc năn non một mớ được má tôi dùng làm rau sống chấm nước thịt kho hoặc nước cá kho. Một mớ xào với tép bạc. Một mớ dùng để nấu canh với thịt ba rọi bằm… Tất cả giúp bữa cơm nhà tôi vừa ngon vừa thơm ngọt tình đất quê nhà.