Để có thêm thông tin về việc hỗ trợ và hướng dẫn người dân vùng thiên tai sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Trọng (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).
Ông có thể cho biết những thiệt hại mà lĩnh vực chăn nuôi đã phải hứng chịu trong đợt mưa lũ vừa qua?
- Bão và mưa lũ liên tục đổ xuống miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi đang phải chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất chuồng trại, con giống, vật nuôi, môi trường, thức ăn...
Số lợn còn sót lại ở trang trại của ông Bùi Hữu Hà (thôn Lê Cẩm 2, xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) đang được chăm sóc đặc biêt. Ảnh: Hồng Đức
Mặc dù 2 vùng miền núi phía Bắc và miền Trung không phải là những địa phương có đàn vật nuôi lớn, song thiệt hại với các hộ chăn nuôi là vô cùng lớn vì họ mới trải qua đợt khủng hoảng giá lợn kéo dài, nhiều hộ đã bị thua lỗ nặng nề, thậm chí phải treo chuồng. Với tình hình thiệt hại do mưa lũ như hiện nay, việc khắc phục hậu quả của bà con càng khó khăn hơn, thậm chí nhiều gia đình không còn đủ sức để tái đàn nữa.
Về mặt thực phẩm, trên thị trường không ảnh hưởng nhiều, mà ảnh hưởng trực tiếp tại những vùng bị ngập lụt là việc vận chuyển, cung cấp các yếu tố đầu vào của ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn. Dự báo sản lượng thịt không ảnh hưởng đến nguồn cung của cả nước, kể cả cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Trang trại lợn của ông Bùi Hữu Hà (thôn Lê Cẩm 2, xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa)
bị nước lũ tràn vào. Ảnh: Hồng Đức
Trong điều kiện hiện nay, ngành chăn nuôi có khuyến cáo như thế nào đối với các địa phương trong việc xử lý hậu quả của đợt thiên tai vừa qua, thưa ông?
- Khi đã bị ngập lụt thì vấn đề vệ sinh môi trường là rất khó khăn. Ví dụ như Thanh Hóa, với số lượng lợn chết lên tới hàng nghìn con như thế, mặc dù được xử lý kịp thời nhưng môi trường chăn nuôi nói chung, kể cả con người đều bị ảnh hưởng rất lớn. Dịch bệnh sẵn sàng xảy ra và đe dọa đến ngành chăn nuôi.
Người chăn nuôi cần lưu ý, sau khi nước lũ rút phải khẩn trương vệ sinh phòng dịch. Cần quan tâm tiến hành vệ sinh công nghiệp, sử dụng thuốc sát trùng để phòng bệnh. Chuẩn bị chuồng trại, trang thiết bị phục vụ khôi phục chăn nuôi; chuẩn bị thức ăn cũng như con giống chất lượng. Về yếu tố này không đáng lo lắm bởi hiện nay khu vực đồng bằng sông Hồng cũng như Đông Nam Bộ là những vùng chăn nuôi lớn nên hoàn toàn đảm bảo nguồn giống cho những vùng bị thiên tai vừa qua.
Giai đoạn này điều quan trọng đầu tiên là phải xây dựng lại chuồng trại, cơ sở vật chất, không thể nuôi tạm bợ, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến đàn giống, kể cả sức khỏe đàn vật nuôi cũng như dịch bệnh dễ xảy ra. Vì vậy, cơ sở vật chất phải được khôi phục sớm nhất có thể, bên cạnh đó cần đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc gia cầm.
Thức ăn gia cầm và gia súc thì không đáng ngại, nhưng đối với động vật ăn cỏ cần phải khôi phục thức ăn xanh cho đàn gia súc.
Thưa ông, ngành chăn nuôi đã có kiến nghị gì để hỗ trợ người dân về con giống các loại phục vụ tái đàn, giảm bớt thiệt hại?
- Đối với hỗ trợ sau thiên tai dịch bệnh đã có Nghị định 02 của Chính phủ ban hành đầu năm nay về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Trên cơ sở đó, đề nghị các hộ chăn nuôi cũng như trang trại cần thống kê và khẩn trương xác định số lượng thiệt hại để đề xuất với địa phương, từ đó có những hỗ trợ kịp thời.
Các cơ quan liên quan cũng cần phải xác minh sớm những thiệt hại và hỗ trợ kịp thời đối với những đối tượng thiệt hại. Có như vậy mới nhanh chóng khôi phục lại sản xuất và giúp đời sống vùng dân vùng này được tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong đợt mưa lũ vừa qua, thiệt hại nông nghiệp do ngập úng ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cũng rất lớn. Về chăn nuôi, đã có 11.000 con gia súc, hơn 300.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp bị ngập úng đã lên tới gần 127.000ha. |