Dân Việt

Chân trời cao su

14/10/2011 16:05 GMT+7
(Dân Việt) - Chiều biên giới Đức Cơ trên con đường xuyên qua những cánh rừng cao su tĩnh lặng, tôi bỗng lẩn thẩn với ý nghĩ rằng: Nếu một sớm mai thức dậy, cả chân trời cao su này bỗng dưng biến mất? Chưa biết điều gì xảy ra nhưng rõ là vùng đất đói nghèo năm nào, nhờ cao su đã lật qua một trang đời như cổ tích.

Đắng lòng chuyện cũ…

Cái năm 94 (1994) ấy làng Pong đói lắm. Người người đi vật vờ trên đường như bị con ma lấy mất vía. May sao gặp lúc nhà Rơmah Mrao đang cúng con ma. Đói thế này mà có thịt trâu ăn, có rượu uống thật chẳng bằng gặp của Yàng cho. Nói ra nghe xấu bụng nhưng cứ mong nó cúng miết thế này cho đến lúc Yàng đổ mưa…

img
Cán bộ kỹ thuật Công ty 74 hướng dẫn công nhân Jrai kỹ thuật khai thác mủ cao su.

Cả tháng nay chiều nào Mrao cũng ngồi ôm gối. Cảnh làng, cảnh nhà – hai cái buồn cùng đổ lại khiến trong ruột như có bàn tay con gấu đang cào. Vợ Mrao đau. Không biết bệnh gì mà lạ, trong ngực cứ như có con gõ kiến mổ rồi ho, khạc ra máu. Thầy cúng Rơ Ma Chênh đến lấy quả trứng gà đập ra săm soi một lúc rồi bảo: Thế này là vợ mày bị con ma nó núp trong ruột, phải đập trâu cúng thì mới hết được…

Thầy nói chắc không sai rồi. Chẳng chần chừ, Mrao cho đập một con trâu, một con heo, hai chục ghè rượu để thầy cúng. Cả làng say mềm như cây chuối bị vặn gốc suốt 2 ngày. Xong việc Mrao còn phải tạ thầy một gùi lúa to nữa. Vậy mà lạ, chẳng thấy vợ đỡ chút nào ? Hỏi, thầy lại bảo: Vợ mày bị con ma ăn đã lâu, phải cúng thêm nữa thì nó mới chịu. Lại phải nghe thầy thôi…

Một tháng ròng, cái miệng thầy đọc lời khấn tưởng không ngậm lại được nữa. Cả đàn trâu 4 con – gồm cả con trâu mẹ to nhất làng, thêm 4 con bò, một chục con heo lần lượt “ra đi”, vậy mà con gõ kiến mổ trong ngực vợ Mrao lại nhiều hơn. Mrao muốn khóc khi nghe thầy bảo: Con ma này không chịu ăn trâu bò, không muốn uống rượu, vậy là nó chỉ thích vợ mày đi theo rồi(!).

Câu chuyện đắng lòng của Mrao cách nay hơn hai chục mùa rẫy không chỉ là chuyện của một làng… Hình ảnh quen thuộc của mỗi ngôi làng là những đứa trẻ chưa đầy tuổi đã đeo lưng mẹ ra rẫy chặt cây tỉa bắp; là những mái tranh rúm ró trên trảng đất không một bóng cây nuôi sống được người. Mùa giáp hạt, người vào rừng đào củ mài, người còn sức hơn thì làm thuê kiếm ngày dăm lon gạo. Còn sức nữa thì kéo nhau lên bãi vàng tít trên biên giới… Đói và đói… một vệt hằn ấn dài lên từng trang lý lịch.

Hồi sinh từ dòng nhựa

Con đường cấp phối kẻ một vệt thẳng băng qua làng Pong. Hai bên đường những căn nhà Thái kiểu cách đủ màu sơn sặc sỡ. Căn nhà tô đá rửa độc nhất vô nhị trị giá gần 400 triệu đồng Mrao xây từ những năm 2000 nay dù đã lạc hậu nhưng vẫn là sự nể phục. Hóa ra nó chỉ là một tài sản cỏn con. Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nghe Mrao liệt kê khối tài sản hiện tại của mình: 10ha cao su đang khai thác; 10ha điều, 3ha cà phê, một cửa hàng tạp hóa. Ấy là chưa kể 3 căn nhà Mrao mới xây cho con. Rồi máy cày, trâu bò… Nhẩm tính không dưới 5 tỷ đồng.

“Mình nên giàu bụng đã sướng. Nhưng đáng sướng hơn là làng mình đã thoát khổ. Nhà A Roi kia, ngày xưa 10 con người chen nhau trong cái lều bạt. Một chân con ma đói kéo, chân kia con ma lười, ai nghĩ nhà nó lên được hố sâu. Vậy mà bây giờ cũng có nhà xây, xe máy.

Nhà Rơ Mah Thơn, cả năm chỉ được hai tháng ăn cơm; cái nhà thì ngồi trong bụi cây còn ít nắng ít mưa hơn. Xưa thế mà bây giờ cũng xây được nhà, sắm được xe. Hai người cùng khổ nhất đấy! Làng mình 135 hộ bây giờ ai cũng ở nhà xây. Thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên đã có hơn 10 người…” - Mrao mãn nguyện.

Cách đây dăm năm Mrao và làng Pong được coi là làng Jrai giàu nhất. Thế nhưng bây giờ vị trí ấy đang bị nhiều làng bám đuổi và trong tương lai không chừng sẽ bị “soán ngôi”. Làng Grôn thuộc đội 10 của Công ty 75 là một. Không bị nếp cũ chèo kéo như làng Pong, với vốn liếng tinh thần và vật chất gần 20 năm tích tụ, Grôn đang vươn lên với tâm thế đầy sự năng động trẻ trung.

Đội phó Kpui Cher năm nay mới 37 tuổi nhưng đã có nguồn tài sản trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Cher cũng là công nhân người Jrai đầu tiên sắm ô tô du lịch. Dưới “cơ” Kpui Cher một chút, những công nhân như Rơ Lan Lin mới 25 tuổi nhưng đã có tài sản tiền tỷ trong tay…

Quân - dân dưới mái nhà chung

…Ngày 20 tháng 2 – cách nay 27 năm, những người lính các Đoàn 331, 332, Công ty Cao su Đức Cơ… nhận lệnh giã từ phiên hiệu cũ để tụ về trong đội hình mới: Binh đoàn 15. Đức Cơ là huyện duy nhất trên địa bàn Tây Nguyên được chọn đứng chân cho cùng lúc 3 công ty: 72, 74 và 75. Tính đến thời điểm đó, có công ty đã trải 10 năm “đánh gốc bốc chà” trên vùng đất mới. Niềm tin của đồng bào vào cây cao su đã ghi dấu nhưng cũng chỉ mới là sự rạn vỡ bước đầu của nếp cũ.

Làm nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với an ninh – quốc phòng trên địa bàn biên giới, không vận động được đồng bào dân tộc vào công nhân thì nhiệm vụ được giao chỉ là khẩu hiệu suông. Đây chính là thời điểm nếp cũ – cái mới bước vào cuộc xung đột cam go nhất. Không ai nghĩ tỷ phú Rơ Châm Mrao bây giờ lại chính là người cầm đầu làng Pong “giữ đất cho con bò đi chơi”.

img
Y Hải - điển hình thanh niên tiên tiến về sản xuất, khai thác cao su.

Tại sao đồng bào dân tộc lại không mặn mà với lợi ích của chính mình? Nhận thức hạn chế thì đã rõ nhưng cái chính là cần một mô hình mang tính đặc thù phù hợp với trình độ sản xuất và tập quán cộng đồng truyền thống của đồng bào. Thực tiễn đổi mới cùng với sự trải nghiệm qua những năm gắn bó với Tây Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Nguyễn Xuân Sang đã khởi xướng và quán triệt phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với buôn làng”.

Về Đức Cơ, đâu đâu cũng nghe những chuyện kể như là giai thoại: Có công nhân nhận tiền thưởng, chê tờ 50.000 đồng là… tiền lẻ. Có công nhân nhà chỉ 3 người mà sắm đến 6 xe máy. Xe để đi làm, xe đi chợ, xe để đi chơi… Ai có thể nghĩ đấy là sự phô phang lãng phí nhưng với đồng bào dân tộc, nó đơn thuần chỉ là niềm hãnh diện với quá khứ đói nghèo…

“Gắn với” có nghĩa là mỗi công ty, mỗi đội sản xuất phải đóng vai trò là mỗi “chính phủ nhỏ” trên địa bàn. Từ việc lớn là công ăn việc làm, đồng lương tháng… đến việc nhỏ là cây bút, cuốn vở, bữa ăn cho các cháu nhà trẻ, dây hồ tiêu trồng trong vườn nhà… đều là những công việc phải lo. Và không chỉ nội bộ công nhân, với đồng bào dân tộc trên địa bàn đứng chân cũng phải gánh một nghĩa vụ tương tự. Mỗi năm 3 công ty trích từ lợi nhuận hàng chục tỷ đồng để đầu tư cho các địa phương trên địa bàn đứng chân.

Gần đây, phương châm này lại được “vi mô” hóa thêm một bước bằng mô hình “gắn kết hộ”. Điều này cũng có nghĩa là chăm lo cuộc sống đồng bào dân tộc giờ đây đã trở thành nhiệm vụ của mỗi công nhân. Sự hết mình ấy đã tạo nên nội lực tự thân cho đồng bào dân tộc.

Truyền thống lao động cần cù, bản sắc văn hóa được khơi dậy. Đảng bộ, chính quyền, quân – dân cùng gắn kết dưới mái nhà chung. Sự đồng thuận ấy là cội nguồn sức mạnh để biến cải vùng đất đói nghèo, lạc hậu trở thành một điểm sáng trên giải đất biên cương…