Dân Việt

Làm giàu nhờ Internet về nông thôn

14/10/2011 13:13 GMT+7
(Dân Việt) - Việc đưa các dịch vụ băng rộng đến các vùng miền, đặc biệt là khu vực nông thôn đã và đang đem lại cơ hội tiếp cận tri thức cho người dân. Nhờ Internet, nhiều nông dân đã làm giàu cho mình và cho xã hội.

Kết nối thông tin

Năm 2003, anh Nguyễn Văn Hiệu, rời Thái Bình vào xã Xuân Lộc, Đồng Nai để tìm kế sinh nhai. Sau 8 năm, nhờ chăm chỉ, chịu khó, gia đình anh đã có một cơ ngơi kha khá. Hiện, tổng thu nhập của gia đình anh lên đến gần 100 triệu đồng /năm từ nguồn chăn nuôi và làm vườn.

img
Đồng bào dân tộc ở Tây Bắc truy cập Internet tại một điểm bưu điện văn hoá xã.

Bật mí về bí quyết làm giàu, anh Hiệu cho biết, tất cả là nhờ Internet. Khi mới khởi nghiệp, anh cũng rất vất vả trong việc tìm thông tin, tìm kiến thức về chăn nuôi và làm vườn. Để tìm được mô hình phù hợp, anh phải đi nhiều địa phương để tìm hiểu. Kiến thức về kỹ thuật thì hỏi những người đã làm hoặc qua sách.

"Đến lúc biết Internet, tôi mới thực sự vỡ ra nhiều thứ. Muốn học gì trên đó cũng có. Thông tin rất nhiều cho mình sử dụng. Cứ ngồi một chỗ mà tôi có thể trao đổi kinh nghiệm được với bao nhiêu người. Sướng thật. Giờ thì với tôi Internet không thiếu được"- anh Hiệu hồ hởi.

Làm việc trên máy tính cũng là công việc thường ngày của anh nông dân Hoàng Văn Hưng - Trưởng nhóm rau hữu cơ ở thôn Bái Thượng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ngay khi triển khai dự án trồng rau hữu cơ năm 2008, anh đã phải mày mò vật lộn để học kỹ năng sử dụng máy tính. Bất cứ vấn đề gì, anh đều tìm đến mạng Internet để tra cứu. Sản phẩm rau hữu cơ ở đây còn được đưa lên website để có thể giúp cho khách hàng đặt mua qua mạng. Do đó, công việc hàng ngày của anh Hưng là kiểm tra đơn đặt hàng, tư vấn và trả lời thắc mắc cho khách.

Anh Hưng chia sẻ: “Sản phẩm của chúng tôi hướng đến cả khách hàng Việt Nam và khách hàng là người nước ngoài nên phải quảng bá trên Internet. Chỉ cần ngồi nghe điện thoại và check mail là tôi nắm được đơn đặt hàng, không phải chạy đi chạy lại như trước”.

Một triệu giờ đồng hành

Với mong muốn mọi người dân nông thôn có thể tiếp cận với Internet, từ năm 2005, VNPT đã triển khai mô hình điểm Internet công cộng với các dịch vụ Internet tốc độ cao tới hơn 2.000 các điểm bưu điện văn hóa (BĐVH) xã. Đây đã trở thành "địa chỉ đỏ" giúp bà con nông dân ở nhiều địa phương tiếp cận được những kiến thức hữu ích, giúp bà con thoát nghèo, thay đổi cuộc sống.

"Một triệu giờ đồng hành" là chương trình VNPT hỗ trợ 1 triệu giờ truy cập Internet miễn phí cho người dân tại 2.353 điểm BĐVH xã trên cả nước nhằm mục tiêu phổ cập tin học đơn giản, hướng dẫn cách truy cập Internet để người dân tìm kiếm thông tin như: Nông nghiệp, y tế cộng đồng, mua bán sản phẩm, học tập, đào tạo từ xa, đọc báo…

Bên cạnh các hoạt động tại các điểm BĐVH xã, VNPT đã phát động và triển khai các chương trình phổ cập tin học và Internet thí điểm cho các đối tượng như đoàn viên, học sinh, lực lượng vũ trang tại các khu vực trường học, nhà văn hoá, UBND xã… tại các tỉnh, thành phố như: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cao Bằng, Cà Mau, Tổng cục Cảnh sát và đặc biệt cho chiến sĩ tại đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ, Côn Đảo...

Anh Ma Y Ớt ở xã suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, từ khi có mạng Internet, anh như mở mang trí óc, giúp tích lũy được nhiều kiến thức vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt.

Và mới đây nhất, vào đầu tháng 9 vừa qua, 40/62 “Điểm Internet thanh niên” đầu tiên đã được khai trương tại các huyện nghèo. Các điểm Internet sẽ cung cấp các dịch vụ như: Phổ cập tin học và Internet, thư viện điện tử và điểm phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, điểm dịch vụ truy cập Internet, điểm sinh hoạt thanh thiếu nhi và khai thác một số dịch vụ khác.

Đến cuối năm nay, toàn bộ 62 “Điểm Internet Thanh niên” nằm trong các trường học thuộc 62 huyện nghèo trên cả nước sẽ đi vào hoạt động, đánh dấu bước đầu việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng 1.000 điểm tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ và truy cập Internet cho thanh niên nông thôn, miền núi”…