Sáng 20.10, phiên tòa phúc thẩm vụ án buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma bước qua phần tranh luận. Trước khi bước vào phần này, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã nêu quan điểm luận tội cũng như các nội dung kháng nghị của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM đối với bản án sơ thẩm ngày 25.8.2017 của TAND TP.HCM.
Đại diện VKS cho biết về việc nâng giá thuốc, các bị cáo thỏa thuận nâng giá thuốc từ 18USD/hộp lên 27USD/hộp và sau đó 75USD/hộp là vi phạm về đạo đức nghề nghiệp. Hành vi làm giả hồ sơ thuốc để nhập thuốc về bán ra thị trường là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xem thường sức khỏe người khác, nhất là các bệnh nhân ung thư, để bán ra thị trường loại thuốc giả, thuốc không có thật.
Các bị cáo nghe VKS luận tội.
Các bị cáo đã sử dụng một loạt giấy tờ giả, làm giấy chứng nhận giả, làm giả chữ ký, con dấu để hợp pháp hóa lãnh sự, tự ý viết các bản hướng dẫn sử dụng thuốc và gắn nhãn mác giả lưu hành thuốc tại Việt Nam. Kết quả xác minh cho thấy Công ty Helix Canada không có thật, các mã vạch quốc tế, mã số thuốc H-Capita không được tìm thấy.
Đáng chú ý, VKS dẫn chứng có 10 chuyên gia giám định nhưng trong biên bản chỉ có 7 chuyên gia ký tên, 3 chuyên gia còn lại không ký cũng không có đánh giá đạt hay không đạt. Hồ sơ đăng ký lô thuốc giả nhưng Cục Quản lý dược không phát hiện ra, Cục trưởng vẫn ký cho nhập khẩu lô thuốc là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Việc làm tắc trách của Cục Quản lý dược và Bộ Y tế đã tạo điều kiện để các bị cáo thực hiện khống 7 hồ sơ thuốc khác. |
Đại diện VKS nhận định, hành vi của các bị cáo rất tinh vi, có tổ chức, có nhiều người tham gia. Các bị cáo đã hình thành ý thức từ khi thỏa thuận mua bán đến khi làm đơn đặt hàng, các thủ tục mua bán hàng… nhằm thu lợi bất chính, bất chấp hậu quả. Do đó, bản án chưa xem xét đúng bản chất, hành vi của các bị cáo, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Vụ án có nhiều điều chưa được làm rõ nên cần điều tra xác minh lại nhằm xử đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.
Cụ thể ở đây, Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng bàn bạc làm giả hồ sơ để nhập thuốc H-Capita, Cường cung cấp giấy tờ giả cho Hùng, còn Hùng chỉ đạo các nhân viên của Hùng thực hiện viết các hồ sơ thuốc, làm giả con dấu. Hành vi này của hai bị cáo có dấu hiệu làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức nhưng chưa điều tra truy tố là bỏ lọt tội phạm. Tương tự, các bị cáo Duy, Kiệt, Phương chỉ bị xử lý về tội làm giả chữ ký, con dấu cũng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, bởi các bị cáo này biết vụ việc, chứng kiến vụ việc và làm theo chỉ đạo của Hùng.
Đặc biệt, đối với kết quả thẩm định của Bộ Y tế, VKS cho rằng có vấn đề, bởi Hội đồng giám định thuốc được thành lập gồm 10 người, trong đó chủ yếu là các cán bộ, nhân viên của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế. Trong khi chính đơn vị này lại là nơi cấp phép, việc này chưa được khách quan.
Đại diện VKS cho rằng, buôn lậu thì hàng hóa (đối tượng mua bán) vẫn là thật, nhưng không khai báo hoặc khai báo không đúng khi xuất, nhập khẩu qua biên giới. Còn hàng giả phải hiểu ngay từ ban đầu khi xuất, nhập khẩu, người phạm tội đã biết đó là hàng giả. Có nghĩa là hàng đó giả về chất lượng hoặc công dụng, hoặc giả về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ.
Kết luận giám định khẳng định thuốc này không được sử dụng cho người, trong khi các bị cáo lại nhập về để làm thuốc chữa bệnh. Thế nhưng, kết luận giám định này lại xác định lô thuốc trên là kém chất lượng thay vì hàng giả, nên cần phải trưng cầu giám định lại.
Đáng chú ý, VKS dẫn chứng có 10 chuyên gia giám định nhưng trong biên bản chỉ có 7 chuyên gia ký tên, 3 chuyên gia còn lại không ký cũng không có đánh giá đạt hay không đạt. Hồ sơ đăng ký lô thuốc giả nhưng Cục Quản lý dược không phát hiện ra, Cục trưởng vẫn ký cho nhập khẩu lô thuốc là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Việc làm tắc trách của Cục Quản lý dược và Bộ Y tế đã tạo điều kiện để các bị cáo thực hiện khống 7 hồ sơ thuốc khác.
Còn với số tiền 7,5 tỷ đồng, lớn hơn giá trị lô thuốc (5,3 tỷ đồng) cần được điều tra làm rõ vì sao có mâu thuẫn này. Số tiền này còn được chi cho các lô thuốc khác hay không? VKS cũng đề nghị điều tra làm rõ số tiền 10.000USD Nguyễn Minh Hùng chi cho Nguyễn Quang Huy.
Vì những lẽ trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND Cấp cao, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM.
Tòa đang tiếp tục làm việc.
Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 8.2017, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma), bị cáo Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH thương mại và hàng hải quốc tế H&C) cùng mức án 12 năm tù giam về tội Buôn lậu. Các bị cáo khác bị tuyên mức án từ 1 năm 6 tháng đến 5 năm tù giam về các tội Buôn lậu và Làm giả giấy tờ, con dấu. Ngoài ra trong vụ án này có 2 bị cáo nhận án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo được xác định cùng thực hiện hành vi buôn lậu 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capita tại Công ty VN Pharma. Sau đó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. |