Thông thường, chủ nhân cơ sở bánh phồng tôm Dương Gia, bà Dương Thị Quỳnh Hoa, chỉ làm khoảng 10 – 20kg để thủ sẵn cho khách mua đột xuất, còn lại là những đơn hàng.
Truyền nhân Dương Minh Trân học cách làm bánh từ mẹ, ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp cho một dòng sản phẩm gia truyền.
Để không chỉ là sung rụng bất chợt
Truyền nhân Dương Minh Trân học cách làm bánh từ mẹ, ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp cho một dòng sản phẩm gia truyền. Cô nói: mỗi khi nhìn mẹ làm giống như có điều gì đó khiến Trân phải suy nghĩ sao mẹ, các dì có thể làm được dù chỉ là bột, tôm, trứng, hành, tỏi, muối, đường mà hoá thân là từng miếng bánh nóng hổi, toả khói ra khỏi nồi hấp bắt đầu vòng đời của món ngon; những sản phẩm này sẽ đi đâu?
Lâu nay, những người thân của nhà họ Dương từ nước ngoài về bao giờ hành lý lúc ra đi cũng có bánh phồng tôm “nhà làm”. Nhưng nếu chỉ là dòng tộc biết tới, chỉ là những đơn hàng rời rạc, chỉ là “những trái sung bất chợt rụng xuống dòng đời và trôi tới đây”, thì chẳng cần phải làm nhãn hàng, chẳng phải tốn công làm thương hiệu cho bánh phồng tôm Dương Gia làm gì?
Bà Quỳnh Hoa thú thiệt, xưa nay chỉ muốn làm cho bạn bè thân tộc thưởng thức món ngon từ xưa của mẹ (bà Mười Tích), không thể để món ngon biến mất sau khi mẹ qua đời. Bà Mười Tích mất cách đây ba năm, thọ 96 tuổi. Khi sinh thời chỉ có bà Hoa làm món ăn cho mẹ. Mọi thứ đã có chuẩn mực, Trân học được cách làm món ngon, có thể còn thua mẹ, nhưng cô tự giải mã những điều mình nhìn thấy trong gian bếp, nơi giúp cô nhận ra điều phải làm cho cuộc đời mới “bánh phồng tôm Dương Gia”.
Nhà họ Dương định cư ở Bình Thuỷ từ thế kỷ 19, thuộc hàng danh gia vọng tộc. Cách chế biến món ăn có những chuẩn mực (ngon lành, sang cả) từ hồi nào, không ai giải thích được, nhưng đó là thước đo được định hình trong những bữa ăn ngày thường. Bà Mười Tích đã làm ra món ngon, vượt lên mức thường thường, nâng lên tầng yến tiệc. Tới thế hệ của bà Quỳnh Hoa, bánh phồng tôm hiện diện trong món gỏi, biến thành mì xào dòn bánh phồng tôm, sang cả tới bất ngờ.
Chưa từng nghĩ tới chuyện quảng bá ra ngoài, nhưng khi phòng văn hoá quận Bình Thuỷ, nói du khách tới chơi ở Bình Thuỷ, Long Tuyền ngày càng nhiều, họ thích tới thăm nhà họ Dương nên nhất định phải có món ngon để mọi người thưởng thức. Minh Trân cảm nhận tinh thần khởi nghiệp nhen nhóm, cô học việc chăm chỉ dù đôi khi con mắt nhà nghề của mẹ nói “Chắc tụi bây không học nghề được này”. Đối với cô, để trang bánh thật đều, để đưa bánh vào nồi hấp đang toả nhiệt, để nêm nếm một lần thôi mà tất cả phải hoàn thiện, là việc khó nhất trên đời này.
Cái riêng mang họ Dương
Vẫn là bột, trứng, tôm, hành, tỏi nhưng bánh phồng tôm mỗi nơi một khác. Những cơ sở bánh phồng tôm của người Hoa ở Sóc Trăng, của người Việt ở Đồng Tháp, ở Sài Gòn, Chợ Lớn, ở ngoài Trung, miền Bắc… đưa ra thị trường bán rất mạnh, vậy bánh phồng tôm của bà Mười Tích và nay là “Dương Gia” ra thị trường có gì khác biệt? Câu hỏi không dễ trả lời, Trân phải tự mình tìm ra lời giải để sau này, cô chào bán với khách hàng của mình.
Mùa mưa ở miền Tây bất chợt nên phải chờ có nắng mới làm, Trân nói. Tuy có lò sấy, nhưng phải có nắng, ít nhất cũng hai hay hai tiếng rưỡi đồng hồ rồi sấy. Nếu chỉ sấy không thôi, bánh không thể ngon như được “tắm nắng”. Những chi tiết tưởng chừng đơn giản ấy, nếu không thuộc lòng thì tương lai thành – bại là đường tơ kẽ tóc.
Mọi thứ có thể sống lại “mạnh giỏi” nếu chắp cánh cho ý tưởng khởi nghiệp, trùng tu đón du khách và chào bán những món ngon nổi tiếng hơn nửa thế kỷ của họ Dương, tại sao không? |
Năm nào cũng vậy, hai tháng trước tết là thời gian cập rập của cái “xưởng” bánh phồng tôm Dương Gia, nhưng sau tết vài tháng là giai đoạn thấp điểm. Cô Bé Bảy, phó phòng văn hoá quận Bình Thuỷ, người chịu khó tìm kiếm chất liệu làm sản phẩm du lịch, kêu gọi những gia đình lưu giữ tinh tuý gia truyền mở cửa và làm điều gì đó để khách hiểu Bình Thuỷ không đến nỗi tẻ nhạt. Nhiều gia đình xưa nay kín kẽ bắt đầu tham gia những hoạt động có tính cộng đồng. Hầu hết là những cơ sở gia đình, quy mô “siêu nhỏ” như cơ sở bánh phồng tôm Dương Gia.
Vốn liếng khởi nghiệp của bánh phồng tôm Dương Gia có thể đo bằng lượng hàng làm sẵn cho khách mua đột xuất và lượng đặt hàng. Nhiều người nói ngôi nhà xưa của ông bà ngoại Minh Trân vẫn còn giữ nguyên kiến trúc đặc trưng, chỉ kém phủ thờ chính của họ Dương (vườn lan) cách đó vài chục thước. Những tán cây sapôchê che mát phần xương thịt ngôi nhà, nhưng bên trong như thiếu sức sống hồn hậu như xưa kia. Mọi thứ có thể sống lại “mạnh giỏi” nếu chắp cánh cho ý tưởng khởi nghiệp, trùng tu đón du khách và chào bán những món ngon nổi tiếng hơn nửa thế kỷ của họ Dương, tại sao không?
Cuộc chạy vượt rào
Mẹ của Minh Trân muốn con gái theo đuổi, giữ gìn tinh tuý gia truyền, với những ý nhị, tinh tế... nhưng chỉ vậy thôi không đủ hun đúc tinh thần khởi nghiệp. Có người nói với Trân nhìn ngôi nhà của ngoại, nhìn dòng người đang về Bình Thuỷ (TP Cần Thơ), muốn nghe câu chuyện nhà họ Dương, một gia tộc giàu có chung sống chan hoà giữa cộng đồng. Và phải làm gì để bánh phồng tôm Dương Gia ra thị trường, phải đưa hàng đi xa hơn, danh chính ngôn thuận hơn, chứ không chỉ là món ngon nhà làm trong những vali theo người thân ra nước ngoài. Sẽ là thách thức cho những ý tưởng của một cô gái 8x, nhưng sao lại bỏ quên những suy nghĩ đàng hoàng, ý tưởng rất là người lớn trong cách bảo tồn giá trị bản địa.
Tám tuổi, Trân nhìn mợ Hai làm bánh, học cách quay bánh, không ai cho bé con vô bếp đang đỏ lửa. Lớn lên, mẹ dạy từng chút và mọi thứ nhập tâm như sống lại và cô đã làm y như lúc mợ còn sống. Nhưng đó là đỉnh cao Trân phải vượt qua và phải nhiều chặng chạy vượt rào, không thể mang cả quá khứ vào tương lai.
Cũng như những nơi khác ở thành phố này, các startup đều phải tự thân vận động, phải chạy vượt rào không người tiếp sức, có ai hỗ trợ gì đâu!