Dân Việt

Việt Nam sẽ có tập đoàn công nghiệp quốc phòng vươn tầm ra thế giới

Gia Tưởng 20/10/2017 16:03 GMT+7
Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, hướng tới đây của các doanh nghiệp thuộc quân đội là sẽ lập thành những tổng công ty lớn và một tập đoàn công nghiệp quốc phòng kết hợp vừa trực tiếp sản xuất thiết bị quân sự, vừa kinh doanh đa lĩnh vực vươn tầm ra thế giới.

Ngày 20.10 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã giới thiệu việc triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020, vừa được Thủ tướng phê duyệt ngày 4.10.2017.

Theo Thiếu tướng Võ Trọng Thắng - Cục trưởng Cục Kinh tế, từ năm 2000 quân đội đã quản lý 300 doanh nghiệp và đến thời điểm này sau nhiều lần cơ cấu, số doanh nghiệp do quân đội quản lý còn 88 doanh nghiệp với 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng.

img

Thiếu tướng Võ Trọng Thắng - Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng - trong cuộc họp báo sáng 20.10.

Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016 đạt doanh thu 345.124 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2015, lợi nhuận trước thuế 43.504 tỷ đồng, nộp ngân sách 40.273 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động 11,8 triệu đồng/tháng/người.

Những đơn vị kinh doanh hiệu quả của Bộ Quốc phòng có thể kể đến như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng, Công ty trực thăng Việt Nam...

Tuy nhiên, cũng theo Thiếu tướng Võ Trọng Thắng, vẫn còn một số đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, mất cân đối về chính nghiêm trọng. Với những đơn vị này, Bộ Quốc phòng đã cho giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật.

Về hướng sắp xếp doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Võ Trọng Thắng cho biết sẽ gom các doanh nghiệp thành lập những tổng công ty lớn và một tập đoàn công nghiệp quốc phòng kết hợp vừa trực tiếp sản xuất thiết bị quân sự, vừa kinh doanh đa lĩnh vực vươn tầm ra quốc tế.

Về đề án tập hợp các doanh nghiệp thành những tổng công ty lớn hơn, báo giới đặt câu hỏi về những thất bại của những tập đoàn kinh tế Nhà nước và những tổng công ty vốn nhà nước trong những năm vừa qua liệu có là bài học nhãn tiền cho Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Kinh tế tự tin cho biết: Quân đội đã có những đánh giá và dự báo trước vấn đề này.

“Chúng tôi rất tự tin vào yếu tố con người quản lý trong quân đội, đặc biệt là yếu tố cấp ủy lãnh đạo. Do vậy, tôi tin các tổng công ty lớn của Bộ Quốc phòng sẽ tránh được những sai lầm về mặt quản lý kinh tế như một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã mắc phải”, Thiếu tướng Võ Trọng Thắng nhấn mạnh.

Trả lời về câu hỏi của Dân Việt về sự kiện vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý về mặt chủ trương cho các doanh nghiệp Nhà nước được phép nhập khẩu, kinh doanh vũ khí, quân trang, quân dụng, các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng sẽ đóng góp vai trò ra sao trong lĩnh vực này, Thiếu tướng Võ Trọng Thắng chia sẻ: Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu các đơn vị kinh tế của quân đội có đủ điều kiện để kinh doanh thì cũng sẽ tham gia vào kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, được biết Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức thẩm định Tờ trình về việc ban hành Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh quân trang, quân dụng; vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng.

Về thẩm quyền, điều 6 dự thảo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, chấp thuận cho phép kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đối với doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ, chấp thuận cho phép kinh doanh phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đối với doanh nghiệp nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý. Quyết định phê duyệt hợp đồng, đặt hàng, kế hoạch sản xuất, kế hoạch đấu thầu mua sắm hoặc văn bản chấp thuận cho phép sản xuất quân trang, quân dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Dự thảo cũng đưa ra hàng loạt điều kiện mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh như: Có kế hoạch mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc mua, bán, nhập khẩu vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phải căn cứ vào nhu cầu, mục đích sử dụng phục vụ quốc phòng, an ninh; tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết, thoả thuận quốc tế giữa bên Việt Nam với bên nước ngoài.

Hoạt động mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quyết định và tuân thủ theo pháp luật về thương mại, độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực thương mại.