Theo TS Thư, đây là cây thích nghi tốt trong môi trường khắc nghiệt, chịu được lửa, vùng đất khô hạn, loài này có rất nhiều hạt nhỏ nên có khả năng phát tán, phát triển mạnh. Với những đặc điểm đó nên các nhà khoa học trên thế giới cảnh báo loài này có thể đe dọa các loài bản địa nên xếp vào danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Ông đánh giá thế nào về việc hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng trồng hàng ngàn cây sò đo cam làm bóng mát phủ khắp thành phố?
- Tôi vừa mới có chuyến công tác ở Lâm Đồng và thấy ở đó họ trồng rất nhiều cây sò đo cam. Hiện loài này chưa có biểu hiện đe dọa loài bản địa, nhưng cần phải hết sức thận trọng.
Việc các tỉnh trồng phổ biến các loài có nguy cơ xâm hại mà không thông qua các cơ quan quản lý, không có sự tìm hiểu nguồn gốc và đặc tính của loài này, ông có đánh giá gì về điều này?
- Trồng sò đo cam là vấn đề mới nảy sinh. Trước đó còn có cây mai dương, bèo tây Nhật Bản… Như vậy, có thể thấy công tác quản lý đang có vấn đề. Tôi cho rằng, thế giới đã cảnh báo đây là loài có nguy cơ xâm hại chắc chắn họ có cơ sở và chúng ta phải giám sát quản lý chặt chẽ.
Trong Thông tư 22 của Bộ TNMT ghi nhận loài này chưa có mặt ở VN, nhưng theo khẳng định của Sở NNPTNT Lâm Đồng, loài này có mặt tại địa phương từ những năm 60 của thế kỷ trước?
- Nói thật là tôi thấy Thông tư 22 của Bộ TNMT có một số điều chưa chính xác. Điều đó nói lên rằng sự quản lý nhà nước ở nước ta đối với các loài sinh vật ngoại lai là chưa thống nhất, chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh và chưa có tính thuyết phục.
Đình Thắng (thực hiện)