Bố mất khi mới 2 tuổi (nhà văn - nhà báo quốc ngữ tiên phong Phạm Duy Tốn, mất năm 1923), 17 tuổi bỏ nhà đi “bụi” cũng là lúc Phạm Duy bước chân vào lĩnh vực ca nhạc, ông là ca sĩ chuyên hát nhạc của Văn Cao trong gánh cải lương Đức Huy - Charlot Miều đi lưu diễn từ Bắc chí Nam.
Nhạc sĩ Phạm Duy |
Trên bước đường rong ruổi, nhiều lần đi xuyên Việt, từ biên giới Việt - Hoa cho đến tận Cà Mau, và sau này qua Mỹ, rồi lại trở về Việt Nam, người nhạc sĩ tài hoa này đã để lại đằng sau mình rất nhiều mối tình. Trong đó có 2 dấu ấn: lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng và và yêu một “người tình nhỏ”, người làm tặng ông đến 300 bài thơ và là niềm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật dồi dào của ông. Tuy nhiên, trước khi chạm tới những “mối tình lớn” đó, chúng ta hãy “làm quen” với những “mảnh tình vắt vai” của ông…
Những cuộc yêu không hẹn ước …
Ngay từ thời mới “bể tiếng”, Phạm Duy đã yêu thầm một người con gái rất đẹp và nết na tên Sâm, người tỉnh Hưng Yên. Phạm Duy đã từng viết dăm ba bức thư tình hết sức lâm li bi đát để gửi cho người ấy. Nhưng rồi định mệnh đưa đẩy, cô Sâm nhận lời về làm vợ ông giáo Phạm Duy Nhượng (anh ruột của Phạm Duy, tác giả Tà áo Văn Quân).
Có lẽ vì “quê độ” với bà chị dâu trong hoàn cảnh thật là trớ trêu này nên Phạm Duy bỏ nhà đi “bụi”. Nhưng chỉ một thời gian sau, khi Phạm Duy còn “hát rong” ở tận miền Nam thì ở quê nhà cô Sâm đột ngột vắn số lìa đời vì bệnh thương hàn khi tuổi đời còn rất trẻ. Có lẽ đây là mối tình “lành mạnh” nhất của ông (bởi lúc đó ông còn nhỏ), nhưng những mối tình khác thì…
Trong hồi ký, ông kể: “Trong khi tôi còn vác bài Buồn tàn thu (của Văn Cao), đi lưu diễn ở trong Nam thì ở Hà Nội, chính nhờ ở giọng hát của Kim Tiêu mà những bài Thiên thai, Trương Chi của Văn Cao được nổi tiếng. Năm 1945 từ trong Nam, tôi trở ra Hà Nội. Ở phố Hàng Gai có một phòng trà lấy tên là "Thiên Thai", cái tên được đặt ra như vậy là vì tất cả dân chúng lúc đó đang ở trong tầm ảnh hưởng của bài hát rất trữ tình của Văn Cao.
Ban hợp ca Thăng Long |
Đây là nơi tôi được các nhạc sĩ Trần Quang Trường, Đỗ Lệnh Tâm và em là Đỗ Lệnh Kiên... đệm đàn cho tôi hát. Cũng tại phòng trà này, tôi lăng xê giọng hát của phái nữ hay nhất lúc đó là Thương Huyền. Nàng là người tình chớp nhoáng của tôi. Tên thật của Nàng là Thường. Tôi đặt tên cho Nàng một cách rất giản dị, theo lối đánh vần "thương huyền thường".
Tôi dạy cho Thương Huyền hát bài Trao lòng, một bài ca nhờ ở giọng hát trong trẻo của cô ca sĩ rất đa tình này mà trở thành nổi tiếng. Thương Huyền có nụ cười và hàm răng như hoa nở. Tính tình thuộc loại bạt mạng, bất cần đời.
Trong buổi họp mặt các văn nghệ sĩ tại nhà của họa sĩ Phạm Văn Đôn trên đường Halais, ở dưới nhà, người ta ngâm thơ và ca hát, ở trên lầu, bất cần mọi người, tôi và Thương Huyền yêu nhau thắm thiết. Về sau chúng tôi còn gặp lại nhau nhiều lần trong kháng chiến…
Đồng thời, tôi cũng có một cuộc sống tạm bợ với một người tình khác đang làm nghề vũ nữ ở nhà hàng khiêu vũ Tabarin tên là Định. Hà Nội lúc đó có hai vũ nữ đẹp là Định và Thơm. Cả hai đều mê nhạc sĩ. Nàng Định ở với tôi còn nàng Thơm, lai Pháp thì lấy Đỗ Thiều, nhạc sĩ chuyên về clarinette. Vũ nữ Định đẹp một cách lộng lẫy, trông như con gái nhà lành.
Hơn thế nữa, trông như con nhà quyền quý. Cô vũ nữ có đôi bàn tay rất mọng này lại là con người có tính đồng bóng. Vừa mới ngủ với người tình trong đêm, sáng ra lại trợn mắt hỏi: "Anh là ai?". Tôi soạn cho cô vũ nữ tàng tàng này một bài hát lấy tên là Tình kỹ nữ: “Đêm nay đôi người khách giang hồ. Gặp nhau tình trăng nước...”. Nàng vũ nữ Định sau này chết vì bệnh ho lao trong cảnh nghèo nàn tại Sài Gòn vào năm 1960".
Trong hồi ký, Phạm Duy còn nói đến chi tiết ông được ông bà quan tri huyện nhận làm con nuôi, rồi họ nhờ ông lên vùng Nhã Nam (Yên Thế) coi sóc đồn điền. Ở đây chàng nhạc sĩ họ Phạm đã từng “dính líu” đến ít nhất là hai nàng thôn nữ: “Xin nhắc lại là khi đó tôi có hai người tình là gái quê một trăm phần trăm, mà lại là gái quê vùng Yên Thế. Trong lần trở về vùng quê cũ này, tôi chỉ gặp lại một người mà xưa kia tôi có ý định lấy làm vợ. Nàng tên là Hạ và là con gái lớn của một ông Chánh Tổng.
Cảnh làng mạc có đôi phần đổi thay, tôi hỏi thăm đường về nhà ông bố vợ hụt... Gặp lại cô gái quê, thấy nàng vẫn chưa lấy chồng, vẫn còn đẹp, vẫn quần quật lao động… Trong mấy ngày ở lại đây, tôi được hưởng những đêm ái ân nồng cháy trên ổ rơm thơm phưng phức bên người đẹp nhà nông có thân hình cứng như... gỗ lim này. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao lúc đó tôi không ở lại Nhã Nam, lấy cô gái quê này làm vợ, trở thành một anh nông dân không tên tuổi? Âu cũng là số kiếp...”.
Cuối năm 1946, Phạm Duy gia nhập Đoàn Văn nghệ Giải Phóng, đóng quân và lưu diễn từ Sơn Tây qua Vĩnh Yên tới Lào Cai. Tại đây, chỉ vì quá nể anh bạn thân là nhạc sĩ Văn Cao nên chàng từ giã đoàn (mùa hè năm 1947) để ở lại hát cho “quán Biên Thùy” của Văn Cao. Và, chàng “bắt tình” (chữ của Phạm Duy) với một cô chiêu đãi viên vốn là vũ nữ ở Hà Nội, ca khúc nổi tiếng Bên cầu biên giới cũng ra đời tại đây. Cuối năm 1947, Phạm Duy và nhạc sĩ Ngọc Bích (tác giả Mộng chiều xuân) rủ nhau về Chợ Đại…
Quán Thăng Long của một gia đình nghệ sĩ…
Nhạc sĩ Phạm Duy tại nhà |
Cuối năm 1946, có một gia đình nghệ sĩ từ Hà Nội chạy tản cư về Hà Đông, mở một quán phở kiêm quán cà phê, gọi là quán “Thăng Long” ở Chợ Đại - Cống Thần. Đó là gia đình ông Phạm Đình Phụng. Ông thích nhạc cổ còn bà (vợ sau) cũng là một ca nương nên dù chạy giặc vẫn mang đàn đi theo. Ông chơi đàn nguyệt còn bà dạo ngón đàn tranh, tỳ bà…
Ông bà có 3 người con: Phạm Thị Thái (sau này là ca sĩ Thái Hằng), Phạm Đình Chương (sau này là nhạc sĩ Phạm Đình Chương tức ca sĩ Hoài Bắc) và Phạm Thị Băng Thanh (sau này là ca sĩ Thái Thanh). Nếu kể cả 2 người con trai của bà vợ trước gồm: Phạm Đình Sĩ (bố của ca sĩ Mai Hương sau này) và Phạm Đình Viêm (tức ca sĩ Hoài Trung), thêm vào dâu, rể (nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Khánh Ngọc) và thế hệ con cháu… thì gia đình “Thăng Long” này quả là một “thế lực” trong lĩnh vực ca nhạc…
Năm ấy, cô Thái vào khoảng 20 tuổi, chẳng những hát hay mà còn biết chơi đàn guitare Hawaienne. Tuy vậy, lúc nào nàng cũng có một vẻ buồn xa xăm… Quán Thăng Long lúc đó là nơi hội tụ của giới văn nghệ sĩ tản cư, và cô Thái chính là đích ngắm của hàng loạt “cây si” tên tuổi: thi sĩ Huyền Kiêu, thi sĩ Đinh Hùng, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Ngọc Bích…
Trước khi đi tản cư, cô Thái từng gia nhập đoàn kịch của Thế Lữ (cô Thái là cháu bà Song Kim, vợ Thế Lữ), được nhà thơ Thế Lữ đặt cho nghệ danh là Thái Hằng nên cô dùng luôn cho tới lúc lìa đời… Thế nhưng trong những người vây quanh cô Thái lúc bấy giờ lại chẳng có Phạm Duy, dù rằng anh vẫn thường đến quán Thăng Long và tham gia những “show” văn nghệ của gia đình này.
Có hôm cao hứng, anh còn nhảy lên bàn ăn, vung tay múa chân hát nhạc Văn Cao hay ngâm thơ Hoàng Cầm… Sở dĩ Phạm Duy không “mặn mà” với quán Thăng Long là bởi lúc này (năm 1948) anh đang khoái nằm trong một con đò, thả trôi bồng bềnh trên một khúc sông dài 5km của Chợ Đại - Cống Thần ôm một người đẹp tên là Hiếu.
“Nàng thuộc vào loại đàn bà rất phóng túng của Hà Nội mấy năm trước đây, có một thân hình nở nang đẹp đẽ không thua gì bức tượng của thần Vệ Nữ ở Milo, có đôi mắt lặng lờ và khiêu khích, có cái răng khểnh rất kiêu sa và có một con tim bốc lửa. Tôi sống với nàng Hiếu trong một con thuyền nhỏ. Thuyền tình này khi thì trôi trên dòng sông Đáy, khi thì đậu ở bến chợ Đại hay bến Cống Thần. Đêm đêm tôi giả vờ là anh Trương Chi, ôm đàn guitare, ngồi hát ở mạn thuyền. Tại đây tôi soạn bài Tiếng đàn tôi: “Mênh mông lả ơi. Thuyền về tới bến Mê rồi. Khoan khoan hò ơi. Dặt dìu trong tiếng đàn tôi…”.
Vào đầu năm 1949, Phạm Duy và mấy anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Băng Thanh (tức Thái Thanh) gia nhập các ban văn nghệ quân đội của Liên khu IV, hai ông bà chủ quán Thăng Long cũng rời Chợ Đại di cư vào Thanh Hóa để được sống gần gũi các con.
Hai ông bà tới Chợ Neo, thuê lại căn nhà lá và mở một quán phở, vẫn lấy tên là quán Thăng Long… Vì là đồng đội trong đoàn văn nghệ quân đội, bản thân lại “tứ cố vô thân” nên vào những ngày nghỉ, Phạm Duy thường hay theo Phạm Đình Viêm và Thái Hằng về chơi quán Thăng Long và được bố mẹ họ coi như người nhà. Anh được ăn uống và ngủ luôn tại quán. Giường ngủ là hai cái bàn trong quán ăn kê sát nhau. Họ thường đàn đúm, ca hát với nhau suốt ngày…
Tại đây, những lúc quán vắng khách, Phạm Duy ngồi trên cái chõng tre, nhìn ra cánh đồng xanh rực nắng hay nằm dưới ánh đèn dầu để soạn lời ca tiếng Việt cho những bài Sérénade (Schubert), Plaisir d'amour, Célèbre Valse (Brahms), Back To Sorriento, Les Millions d'Arlequin... tặng hai chị em Thái Hằng, Băng Thanh…
Thực ra lúc đầu, Phạm Duy chẳng để ý gì đến Thái Hằng, dù từng nghe nàng hát, nàng đàn guitare Hawaienne - nhưng đó là khi còn ở Chợ Đại, quanh nàng luôn vây kín những “cây si” mà nếu so với Phạm Duy thì họ thuộc hạng “đại kình địch” nên anh chàng lãng ra để còn “bận bịu” với những mối tình bèo mây khác… Chỉ đến khi cùng sống dưới một mái nhà, cùng vui đùa ca hát và có rất nhiều thì giờ để hiểu biết nhau, Phạm Duy mới nhìn ra những tố chất của một người vợ lý tưởng qua người con gái này, nhìn lại mình cũng đã xấp xỉ tuổi 30 - cái tuổi cần phải… lấy vợ !