Dân Việt

Ông lão 85 tuổi và món nợ 700.000 USD

Với lòng quyết tâm vạch ra sự thật, luật sư đã làm rõ được khoản nợ 700.000 USD bỗng dưng giáng xuống đầu ông lão.

Chuyện xảy ra đã vài năm, thân chủ cũng mới qua đời nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh ông cụ gần 85 tuổi run run: “Ông luật sư ơi, cứu tôi!”.

Gần tới ngày TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử, ông lão 85 tuổi, người Hoa, mới tìm tới tôi với lời khẩn cầu: “Luật sư ơi, cứu tôi! Tôi không mượn tiền của nó bao giờ, mong ông hãy làm sáng tỏ giúp tôi”.

Sự trở về của đứa trẻ

Câu chuyện xảy ra cách đây hơn 40 năm về trước. Nhà ông lão ở đường Trần Hưng Đạo, phía trước có khoảng không rộng rãi, mấy đứa nhỏ con nhà nghèo thường tụ tập đến chơi nhảy dây, chơi ô ăn quan. Ông sống độc thân, mến con nít nên thỉnh thoảng đem bánh trái, nước non ra cho, có khi kèm vài quyển vở.

Thời gian cứ thế trôi. Ông vẫn sống độc thân và có cả một xưởng đóng đồ gỗ.

Một hôm, vào một buổi sáng, khi đó là vào khoảng đầu những năm 1990, có một phụ nữ xuất hiện trước nhà, đon đả chào ông. Hỏi ra thì ông mới biết cô này là Việt kiều Mỹ về thăm quê sau bao năm bôn ba ở nước ngoài. Cô cũng chính là một trong những đứa trẻ ngày xưa hay đến sân nhà ông chơi.

Sau nhiều lần đến chơi nhà, cô này giới thiệu một người em ruột làm dịch vụ có thể giúp ông hợp thức hóa dãy nhà của gia tộc. Ông tin tưởng ngay nhưng ông đâu ngờ có một ngày ông phải hầu tòa vì chuyện này. Ông nhận được giấy triệu tập của tòa với thông báo nợ cô Việt kiều lên đến 700.000 USD, có chữ ký của ông hẳn hoi.

img

Bất thường từ tờ giấy vay nợ

Ông lão tìm đến tôi khi vụ án đang chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Thoạt nhìn, vụ án khá đơn giản, đơn khởi kiện đòi nợ chỉ vỏn vẹn một trang A4, kèm theo giấy đòi nợ có chữ ký của con nợ rõ ràng với câu chữ liệt kê khá hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, do quá cận kề ngày xử nên chúng tôi không có nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ vụ án hơn. Tòa tuyên chúng tôi thua kiện, buộc ông lão phải trả số tiền trên. Dù vậy, chúng tôi quyết không nản, kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

Đọc kỹ tờ giấy vay nợ, kinh nghiệm nghề nghiệp mách bảo tôi có điều gì đó bất thường. Tiền USD được gửi về Việt Nam đều đặn hàng tháng trong suốt gần 15 năm. Tại sao có khoảng 180 lần giao nhận tiền nhưng không có bất cứ một mảnh giấy nào từ biên nhận giao tiền hay giấy nhận tiền?

Trong khi ấy ông lão thời điểm ấy đã 70 tuổi, sống độc thân, có cả xưởng đóng đồ gỗ, nhu cầu sinh hoạt rất đơn giản, làm sao dùng hết vài nghìn USD trong một tháng và liên tục suốt nhiều năm trời? Hai bên cũng không phải thân thích thì tại sao một người ở bên kia Trái đất có thể thường xuyên gửi tiền về nhiều lần như thế?

Người cho vay đã viết nội dung giấy mượn tiền là có tính toán khi chia khoản tiền ra làm nhiều lần nhằm hợp thức hóa nhu cầu chi xài của người mượn và khả năng cung cấp của bên cho vay. Thế nhưng họ lại quên mất thời điểm cô Việt kiều có tiền dư để gửi về Việt Nam cho ông cụ vay.

Bởi theo giấy vay nợ thì đó là năm thứ nhất khi cô gái vừa đặt chân đến Mỹ. Đây là sự cực kỳ vô lý. Sau năm 1975, nhiều người Việt Nam di cư đến Mỹ phải lao mình vào cuộc sống mới với ngàn vạn khó khăn để hòa nhập.

Không có bất cứ nền tảng nào về kinh tế thì chỉ còn cách làm việc thật chăm chỉ và cày cật lực mới có thể tồn tại và dần ổn định được cuộc sống nơi đất khách. Tám tập sách với hàng trăm câu chuyện của chính đồng bào mình viết về thời gian đầu khi bắt nhịp với cuộc sống ở Mỹ đã cho tôi cái nhìn khái quát và cả chi tiết về những người di cư.

Giúp đối phương được an toàn

Xâu chuỗi toàn bộ sự bất hợp lý ấy để làm cơ sở, tôi trình bày tại phiên tòa phúc thẩm. Cuối cùng những nỗ lực ấy đã được TAND Cấp cao tại TP.HCM ghi nhận, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì nhiều tình tiết và chứng cứ chưa được làm rõ.

Bản án phúc thẩm làm cho chúng tôi nhẹ lòng, có thêm thời gian củng cố chứng cứ vững chắc. Tôi làm việc cật lực và kết hợp qua Mỹ vài chuyến nên tôi đã tích được kha khá thông tin quan trọng. Tôi “nhả” dần các thông tin bất lợi của người phụ nữ ấy, mong cô hiểu rằng việc giả mạo chứng cứ sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho cô ở chính đất nước mà cô đang định cư.

Dường như hiểu được thông điệp mà chúng tôi muốn truyền tải tới nên cô Việt kiều ấy đã quyết định rút đơn khởi kiện.

Vậy là sự thật đã được sáng tỏ, ông cụ cũng đã giải tỏa được nỗi niềm và thoát được món nợ bỗng dưng từ trên trời rơi xuống. Quan trọng hơn nữa là ông lấy lại được danh dự của mình vì tại tòa, vị luật sư đại diện cho cô Việt kiều lý giải về số tiền cho vay 700.000 USD là do hai bên có mối quan hệ tình cảm trên mức bình thường.

Tôi nghĩ giả sử thực sự có mối quan hệ tình cảm ấy thì đối với một người độc thân như ông cũng là điều dễ hiểu. Vậy mà chỉ vì lòng tham, họ sẵn sàng lợi dụng lòng tin rồi tạo ra một quan hệ khác thường như thế, thật quá đau lòng.