Phó phòng CSGT nói gì về việc từng bị kỷ luật chuyển khỏi lực lượng ?
Thượng tá Võ Đình Thường - người bị kỷ luật 14 năm về trước. Ảnh Thanh Niên
Những ngày qua, dư luận mạng xã hội lan truyền "chóng mặt" về việc một đại úy, trạm trưởng CSGT ở Đồng Nai bị kỷ luật, chuyển khỏi lực lượng năm 2003, do để xảy ra tiêu cực, nay trở lại làm Phó phòng CSGT Công an tỉnh. Người được đề cập là thượng tá Võ Đình Thường, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai. Chiều 21.10, trên báo chí ông Thường cũng đã chính thức lên tiếng sau nhiều ngày im lặng.
Theo đó, ông Thường thừa nhận từng bị kỷ luật cách chức Trạm trưởng trạm CSGT Dầu Giây do thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra tiêu cực năm 2003. Ông hiện là Phó phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai - cũng chính là người ký giấy mời 20 tài xế trả tiền lẻ qua trạm thu phí BOT tuyến tránh TP.Biên Hòa, Đồng Nai lên làm việc ngày 18.10.
Về dư luận trên mạng xã hội cho rằng giữa ông Thường và chủ đầu tư trạm thu phí BOT Biên Hòa là “người nhà” nên nôn nóng ký giấy mời tài xế lên làm việc, ông Thường cho biết con gái ông lấy một người cháu của lãnh đạo Công ty Cường Thuận (công ty mẹ của Công ty Đồng Thuận - chủ đầu tư trạm thu phí BOT Biên Hòa) chứ không phải ông là con rể của chủ trạm BOT Biên Hòa như thông tin trên mạng.
“Chuyện tài xế trả tiền lẻ, gây hỗn loạn ở trạm thu phí khiến giao thông qua đây nhiều lần bị ách tắc, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự, môi trường đầu tư và kinh doanh của địa phương, nên chúng tôi mời khoảng 20 tài xế lên để tuyên truyền và giải thích pháp luật cho họ hiểu”, ông Thường nói và khẳng định việc ông ký giấy mời tài xế lên làm việc là do chỉ đạo của cấp trên.
Như tin đã đưa, chỉ 12 năm sau khi bị kỷ luật cách chức và luân chuyển công tác về làm cảnh sát hành chính, Đại úy Võ Đình Thường đã trở thành Thượng tá - Phó phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai.
Năm 2003, trạm CSGT Dầu Giây do ông Võ Đình Thường, lúc đó còn mang hàm Đại uý làm đội trưởng, đã bị báo chí phản ánh tiêu cực. Ngay lập tức, Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ về sự việc này. 39 cán bộ chiến sỹ của trạm CSGT Dầu Giây bị đình chỉ công tác.
Qua quá trình điều tra, xác minh, Đại úy Thường và 10 cán bộ chiến sỹ bị Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai ký quyết định xử lý kỷ luật. Trong đó, ông Thường bị cách chức Bí thư chi bộ, Đội trưởng CSGT của trạm Dầu Giây, cho ra khỏi lực lượng CSGT.
Sau quyết định của Giám đốc Công an tỉnh, Đại úy Thường về làm cảnh sát quản lý hành chính mà theo như ông Thường thừa nhận là "làm lính ở Phòng cảnh sát trật tự - hành chính (PC64)".
Đây là đơn vị cảnh sát có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên các lĩnh vực: Đăng ký quản lý nhân, hộ khẩu; cấp và quản lý Giấy Chứng minh nhân dân; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quản lý con dấu...
Rồi chỉ sau 1 năm công tác tại Phòng cảnh sát trật tự - hành chính, ông Thường chính thức được xóa án kỷ luật vì có nhiều thành tích tốt, là chiến sỹ thi đua.
Năm 2005, ông Thường được Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai phân công về làm Đội trưởng Đội cảnh sát 113 (PC64), và ông làm việc tại đây cho đến năm 2010. Cũng chính tại nơi công tác mới này, ông chia sẻ với báo chí là "thường xuyên được tặng giấy khen vào sáng thứ 2 chào cờ hàng tuần" vì có nhiều thành tích bắt giữ tội phạm.
Từ năm 2010, ông Thường lại được bổ nhiệm làm Phó Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường.
Đến năm 2015, ông Thường được Ban giám đốc luân chuyển về Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai và Thượng tá Thường được giữ chức Phó phòng CSGT Đường bộ, đường sắt (PC67) Công an tỉnh Đồng Nai.
Trả lời báo chí, ông Thường nói: “Mấy hôm nay tôi rất buồn. Trên mạng xã hội cứ suốt ngày soi mói, bới móc đời tư của tôi và gia đình, lôi cả những lỗi lầm của quá khứ mà tôi đã khắc phục, sửa chữa, lan truyền những tin đồn thất thiệt và ác ý, ảnh hưởng rất lớn tới tổ chức, gia đình cũng như cá nhân tôi”.
Giấy mời tài xế dùng tiền lẻ qua trạm BOT Biên Hòa có chữ ký của Thượng tá Võ Đình Thường.
Trước đó, liên quan đến việc Thượng tá Võ Đình Thường - Phó Phòng Cảnh sát giao thông Đồng Nai đã thừa nhận mình là Đại úy Võ Đình Thường bị kỷ luật cách đây 14 năm, tối 21.10 trên báo chí, Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, Đại úy Võ Đình Thường thời điểm đó đã bị cơ quan chức năng kỷ luật, cách chức nhưng không phải đuổi ra khỏi ngành. Sau khi bị kỷ luật, Đại úy Võ Đình Thường được luân chuyển công tác.
Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, Đại úy Võ Đình Thường thời điểm đó đã bị cơ quan chức năng kỷ luật, cách chức nhưng không phải đuổi ra khỏi ngành. Ảnh VTC
Theo Thiếu tướng Lương Tam Quang, việc từ một người bị cách chức, kỷ luật nay là Phó trưởng phòng CSGT Đồng Nai thì cũng là điều bình thường. Sau một thời gian người bị cách chức, kỷ luật nhận ra được lỗi lầm của mình và có ý chí phấn đấu thì sẽ được phục chức và thăng chức.
Bên cạnh đó, những thông tin nóng trong tuần được bàn luận nhiều trên mạng xã hội còn có: Sau Cần Thơ, TP.HCM sẽ cấm công chức mặc quần jean, áo thun trong giờ làm: Có hợp lý không?; Máy bơm "lạ" Siêu - khủng nhất Sài Gòn tắt điện, tạm ngưng vận hành...
Sau Cần Thơ, TP.HCM sẽ cấm công chức mặc quần jean, áo thun trong giờ làm: Có hợp lý không?
Cán bộ công chức Cục Thuế TP.HCM đang hướng dẫn người dân làm thủ tục
Sở Nội vụ TP.HCM vừa trình UBND TP bộ quy tắc ứng xử áp dụng cho cán bộ, công chức, người lao động (gọi tắt là công chức) làm việc ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong quan hệ xã hội, trong đó có đề xuất cấm công chức ở các cơ quan này mặc quần jeans, áo thun khi làm việc.
Tờ trình này đưa ra quy định trang phục làm việc của nam là quần tây áo sơ mi, nữ quần tây, váy dài chiều dài tối thiểu ngang gối, áo sơ mi có tay, comple, áo dài truyền thống.
Theo đó, các công chức trong giờ làm việc không được mặc quần jean áo thun, trừ trường hợp tham gia các hoạt động, sự kiện của cơ quan đơn vị.
Cán bộ công chức phải có tác phong làm việc nghiêm túc, thái độ lịch sự, tôn trọng người giao tiếp. Sử dụng ngôn ngữ phải rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt, đồng thời không tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu không đúng thẩm quyền.
Theo quy tắc này, các công chức không sử dụng bia rượu, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực cũng như không hút thuốc lá trong khuôn viên của trụ sở cơ quan, phòng làm việc, phòng họp và hội trường.
Quy tắc cấm các công chức đánh bạc hay tham gia các tệ nạn hoặc các hành vi khác trái với quy định pháp luật dưới mọi hình thức.
Chưa hết, trong giờ làm việc, các công chức ở TP.HCM không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân.
Các cán bộ công chức cũng không được truy cập các trang mạng có nội dung không liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và không thờ cúng trong phòng làm việc và hoạt động mê tín dị đoan.
Khi giao tiếp qua điện thoại, công chức phải xưng tên, chức danh, chức vụ, cơ quan mình công tác, không được tỏ thái độ thiếu lịch sự, gắt gỏng, nói trống không, không ngắt điện thoại đột ngột.
Máy bơm "lạ" Siêu - khủng nhất Sài Gòn tắt điện, tạm ngưng vận hành
Ngày 21.10, ông Nguyễn Tăng Cường - Tổng giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung - cho biết đã gửi văn bản khẩn đến Trung tâm chống ngập TP đề nghị tạm ngưng vận hành máy bơm chống ngập cho khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập trong cơn mưa trưa 17/10 (ảnh Dân trí)
Theo đó, từ nay đến tối 24.10, máy bơm sẽ ngưng hoạt động để hoàn thiện dây chuyền. Bên cạnh đó, đơn vị vận hành cũng chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng về nguyên nhân ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh trưa 17.10.
Ông Cường cho biết, hệ thống máy bơm được lắp đặt, vận hành từ ngày 19/9 đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Một số hạng mục như vớt rác, chân máy mới còn tạm, hệ thống thành bể, bao che chưa lắp đặt xong…
Trong thời gian máy bơm ngừng hoạt động, công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị sẽ đưa một số máy bơm ra đặt tại đường cống thoát nước gần sông Sài Gòn để ứng phó ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh khi xảy ra mưa lớn.
Liên quan đến vụ máy bơm “khủng” cùng đường Nguyễn Hữu Cảnh “thất thủ” trong cơn mưa trưa 17.10, kết quả kiểm tra hiện trường xác định có gần 25m3 rác dưới cống. Lượng rác tập trung chủ yếu ở 6/40 miệng cống được kiểm tra, riêng 2 miệng cống trước số nhà 45 và 59A, công nhân vớt được gần 14m3 rác.
Cơ sở nào để phạt bác sĩ 5 triệu đồng vì "nói xấu" Bộ trưởng Y tế?
Trên nhiều diễn đàn mạng, bạn đọc chia sẻ: Thế nào là nói xấu cán bộ trên Facebook? Xử phạt theo quy định nào?
Bác sĩ Hoàng Công Truyện đã đăng lên tài khoản Facebook cá nhân nội dung "khuyên" Bộ trưởng Y tế nên nghỉ, và bị khiển trách cùng số tiền phạt 5 triệu đồng, khiến dân mạng băn khoăn.
Luật viên chức quy định rất nhiều vấn đề nhưng quyết định kỷ luật không nêu ra được hành vi của ông Truyện vi phạm điều nào, khoản nào của luật này?
Như tin đã đưa, Bộ trưởng TT&TT chỉ đạo Thanh tra Bộ, GĐ Sở TT&TT Thừa Thiên Huế kiểm tra thông tin bác sĩ "nói xấu" Bộ trưởng Y tế, nếu chỉ như những gì bác sĩ Truyện nói đã được công bố thì rút quyết định phạt và xin lỗi ngay bác sĩ.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, những gì bác sĩ Hoàng Công Truyện nói chưa đủ căn cứ quy kết xúc phạm nhân phẩm, danh dự. Vì vậy nếu không có thêm bằng chứng gì thì rút quyết định xử phạt và xin lỗi ngay bác sĩ Truyện.
"Cần xử lý nghiêm hành vi bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không để ai bị phạt oan" - Bộ trưởng yêu cầu.
Chánh thanh tra Bộ TT&TT Đặng Anh Tuấn cũng cho biết, Bộ đã đề nghị Thanh tra Sở TT&TT Thừa Thiên Huế làm rõ sự việc, nếu chỉ căn cứ những điều viết trên facebook thì chưa đủ.