Mới đây, dòng chia sẻ của bà mẹ Trần Hồng Minh (hiện sinh sống ở Hà Nội) về việc xây sân chơi cho bé Tuti (con trai chị) đã khiến không ít bậc phụ huynh thích thú. Bởi lời hứa và cũng như dự định được vợ chồng chị ấp ủ suốt trong suốt 3 năm, đầu năm 2017, anh chị đã tính toán để ra khu đất rộng 100m2 làm sân chơi cho con.
Tới tháng 9.2017, chị Hồng Minh đã tìm xưởng sản xuất, đặt làm đồ chơi và hoàn thiện về cơ bản sân chơi cho cậu con trai ở quê nội của bé Tuti tại xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh.
Gia đình chị Hồng Minh
Cùng trò chuyện với bà mẹ này về quá trình xây dựng sân chơi – cũng là việc giữ đúng lời hứa với con trai của mình:
Chào chị Hồng Minh, sau chia sẻ làm sân chơi cho con của chị, nhiều người đặt ra câu hỏi bố mẹ có nên hứa và khi đã hứa thì phải giữ đúng lời hứa với con trẻ vì điều này hết sức quan trọng. Quan điểm của chị về vấn đề này như thế nào?
Theo mình, bố mẹ không phải chuyện gì cũng hứa với con, nhưng khi đã hứa thì giữ đúng lời hứa thực sự là một điều quan trọng.
Ngay từ khi con hiểu mọi chuyện hai vợ chồng mình đã luôn nhắc nhở nhau phải giữ lời hứa với con, nếu cái gì chưa làm được thì không hứa, nếu đã hứa mà không làm được trong một vài trường hợp như đi làm về muộn, không cho con đi chơi, quên mua quà.. thì phải xin lỗi con.
Bé Tu Ti rất thích vận động và khám phá.
Nếu không có lý do gì ngoài khả năng thực hiện được lời hứa thì phải làm đúng theo những gì đã hứa.
Khi mình làm như vậy, thực chất mình không coi đó là con mình, bố mẹ “nói phải nghe” mà bé cũng bình đẳng như mình. Mình tôn trọng con, con tôn trọng mình.
Anh chị có thường xuyên hứa mọi điều với Tuti không?
Vợ chồng mình hứa khá nhiều điều với con, ví dụ như khi con ngoan, con dậy sớm, vệ sinh cá nhân nhanh nhẹn thì sẽ được thưởng 10.000 đồng đút lợn. Khi bố đi công tác về sẽ mua một món đồ chơi cho con. Hoặc con đưa ra những yêu cầu như hôm nay bố mẹ chơi cùng con, hoặc đón con đi học về sớm… nếu thấy điều đó bố mẹ có thể thực hiện được thì vợ chồng mình sẽ hứa.
Hay như lời hứa với con về làm cho con một cái sân chơi, con vẫn hay nhắc với bố mẹ, nhưng vì điều kiện chưa thể làm ngay nên vợ chồng mình nói với con rằng hiện tại mình chưa có điều kiện làm, tới lúc có điều kiện bố mẹ sẽ thực hiện ngay.
Sân chơi rộng 100m2 với nhiều trò chơi vận động.
Theo như chị chia sẻ, khi anh chị còn ở nước Úc, sân chơi cho trẻ nhỏ không hề thiếu. Vậy tới khi về Việt Nam, anh chị có gặp khó khăn gì và Tuti có buồn không khi không được thỏa thích vui đùa ở sân chơi rộng lớn như trước?
Sau khi chồng mình học xong, cả nhà trở về nước. Hai vợ chồng đã chuyển nơi ở để con có không gian rộng hơn. Tuy nhiên, sân chơi ở các khu dân cư tại Việt Nam khá ít, nhiều nơi có nhưng không đáp ứng nhu cầu chơi của trẻ. Bé nhà mình 5 tuổi, ưa vận động, khám phá, mình chọn ở trong khu đô thị để được chơi ở những sân chơi nằm trong khuôn viên của khu. Mình cũng chọn cho con 1 trường mẫu giáo có khu vui chơi riêng để con nhanh hòa nhập bởi vì khi học tại Úc thời gian của con chủ yếu là hoạt động ngoài trời trong khuôn viên, nên khi về Việt Nam phải ngồi 1 chỗ con rất chán và buồn.
Chị Hồng Minh dự định sẽ trồng thêm cây xanh để sân chơi đẹp hơn và có bóng mát.
Anh chị đã bắt đầu thực hiện lời hứa với con từ khoảng thời gian nào?
Vào đầu năm 2017 gia đình mình xây nhà tại quê nội ở Bắc Ninh. Khi tiến hành xây dựng, trong thiết kế đã dành ra một khoảnh đất rộng 100 m2 để sau này có thể làm sân chơi cho con. Sau khi nhà hoàn thiện, vợ chồng mình bắt đầu nghĩ tới việc làm sân chơi ở khoảng đất đó.
Vì kinh phí làm nhà tiêu tốn khá nhiều, nhưng khoản kinh phí để làm sân chơi cho con mình luôn luôn để riêng, không “xâm phạm”. Nên khi tiến hành san lấp mặt bằng, chọn xưởng sản xuất để mua các thiết bị mình làm rất nhanh.
Chị có thể chia sẻ một chút về sân chơi của Tuti ở quê nội được không?
Quê nội của Tuti là một ngôi làng ven sông Cầu ở thành phố Bắc Ninh. Vợ chồng mình xây dựng sân chơi rộng hơn 100 m2 và trong đó có cầu trượt, bập bênh, đu quay, hệ leo trèo và các lốp xe làm bước nhảy thăng bằng... Về cơ bản sân chơi đã hoàn thiện nhưng tới đây mình sẽ trồng thêm cây xung quanh để tỏa bóng mát và giúp sân chơi của con đẹp hơn.
Tuti và các bạn rất hạnh phúc với sân chơi mới.
Chị nghĩ sao nếu một vài ý kiến cho rằng làm sân chơi cho con ai cũng muốn, thế nhưng chỉ những gia đình có điều kiện mới dám nghĩ tới?
Mình không nghĩ như vậy. Có điều kiện ở đây chỉ là việc dám chi tiền để làm hay không mà thôi. Mình biết nhiều gia đình điều kiện có thừa, đất đai có, con cháu đông nhưng họ không nghĩ tới việc làm sân chơi. Họ có thể đầu tư bàn ghế, cây cảnh, trang trí nhà cửa nhưng cũng không nghĩ tới việc làm một cái công viên nho nhỏ cho con cháu.
Như gia đình mình, khi làm nhà mình cũng phải vay mượn nhiều, cũng đang lo để trả nợ, nhưng khoản tiền dự tính ban đầu để làm sân chơi cho Tuti mình luôn để riêng và vì lời hứa như nói ở trên nên cả hai vợ chồng vẫn tiến hành làm theo dự định.
Để làm được sân chơi này vợ chồng mình đã thực sự cố gắng về tài chính, vượt qua nhiều ngăn cản và những lời nói không được thiện cảm. Bởi ở một làng quê thì việc làm một cái khác với những gì mà mọi người thường nghĩ cũng không hề dễ dàng.
Hẳn là Tuti đã rất vui sướng khi nhìn thấy sân chơi này?
Tuti đã rất hào hứng, tham gia vào quá trình xây dựng sân chơi luôn. Từ việc mang đồ vào lắp đặt, tới việc để các loại đồ chơi ở đâu, sân nên cần đổ thêm cát, đào đất… bạn ấy đều góp phần tham gia.
Hai bố mẹ cũng luôn hỏi ý kiến Tuti về mọi thứ trong sân chơi. Bạn ấy không thích cái cầu trượt lắm vì nó hơi bé, trượt vèo cái đã hết, nhưng mẹ giải thích vì số tiền mẹ chỉ đủ mua cái cầu trượt đó thôi, Tuti để cho các bạn nhỏ khác chơi, sau này bố mẹ có thêm tiền sẽ mua cho Tuti cái cầu trượt to và dài hơn, thì bạn ấy đồng ý.
Mình nghĩ khi cho con tham gia cùng làm sân chơi, con sẽ cảm thấy sân chơi này có ý nghĩa hơn, đồng thời, con cũng đồng ý với những thứ có trên sân, nên sẽ không nảy sinh tâm lý kiểu như con có thích cái này đâu, tại sao lại đặt cái cầu trượt ở đây…
Vợ chồng chị có nghĩ rằng việc giữ lời hứa về sân chơi đã tặng cho con “cả một tuổi thơ” và để gia đình có giây phút gắn bó bên nhau?
Mình không nghĩ to tát như vậy vì tuổi thơ của con còn rất nhiều thứ chứ không chỉ riêng sân chơi. Và việc xây sân chơi này không phải để tặng riêng con, mà còn là nơi cho các em nhỏ khác trong họ hàng, hàng xóm xung quanh tới chơi nữa.
Qua việc xây sân chơi này, mình nhận thấy đây đúng là cơ hội giúp gắn kết gia đình hơn, vì bố mẹ có thể chơi cùng con hoặc các gia đình có thể cùng nhau tụ tập, con cái chơi ở sân chơi với nhau, bố mẹ có thời gian trò chuyện với nhau nhiều hơn. Vậy nên, dù cố gắng rất nhiều, nhưng vợ chồng mình đều thỏa mãn khi sân chơi của Tuti cuối cùng đã trở thành hiện thực.
Cảm ơn chị!