Dân Việt

Làm trang trại giáo dục ở Hà Nội: Gà lợn ăn xả láng lại có bộn tiền

Đăng Hải 24/10/2017 06:10 GMT+7
Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn thành phố xuất hiện một số trang trại du lịch sinh thái, trang trại giáo dục hữu ích như: Nông trại hữu cơ Tuệ Viên (quận Long Biên), Trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), Trang trại vườn chim Việt (huyện Thanh Trì)… và đem lại thu nhập khá cao cho những người làm trang trại.

Ngoài ra, hiện Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cũng đang phối hợp với các chuyên gia tư vấn và những người tâm huyết với sản xuất nông nghiệp hữu cơ hình thành phương thức sản xuất mới ở cấp cao hơn. Thay vì mỗi gia đình đầu tư mua một trang trại nhỏ lẻ ở ngoại thành, thì theo phương thức sản xuất mới, các cổ đông cùng tập hợp, thành lập một trang trại quy mô lớn, có thể kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, trồng trọt, chăn nuôi...

Ông Tạ Văn Tường cho rằng, ở nội thành Hà Nội hiện nay, chỉ cần một khu chung cư với hàng nghìn hộ gia đình sinh sống, nếu cùng tập hợp, liên kết nhau lại sử dụng sản phẩm của một quần thể trang trại khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ bảo đảm thực phẩm sạch, an toàn và đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng...

img

Mô hình vườn chim Việt của anh Trần Như Giáp ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang trở thành mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đăng Hải

"Để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, Trung tâm đã tư vấn triển khai chăn nuôi theo chuỗi và thu được nhiều kết quả khả quan. Trong quá trình phát triển theo chuỗi, mô hình trang trại gắn với du lịch sinh thái bước đầu khẳng định đây là một trong những phương thức sản xuất mới được nông dân đón nhận..." - ông Trường chia sẻ.

Để các chuỗi này phát triển bền vững, ông Trường cho rằng quá trình xác định và lựa chọn các chuỗi giá trị tiềm năng phải được tiến hành đồng bộ, có sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương đề xuất các sản phẩm có khả năng phát triển thành chuỗi giá trị và được thành phố xem xét, thẩm định, phê duyệt, tạo điều kiện để các chuỗi hoàn thiện về cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nơi lưu trú... 

Bên cạnh đó, mỗi chuỗi cần tìm một doanh nghiệp chủ chốt tham gia để bảo đảm tiêu thụ sản phẩm. Khi đưa ra các chính sách hỗ trợ nông dân, các cấp, các ngành nên khuyến khích có sự tham gia bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. 

"Ngược lại, khi hỗ trợ doanh nghiệp cần tạo ra hiệu quả trực tiếp cho các hộ sản xuất tham gia chuỗi. Cùng với đó, phối hợp, tìm kiếm chuyên gia xây dựng các quy trình chuẩn cho từng chuỗi để áp dụng tổ chức sản xuất; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chuỗi gắn với du lịch sinh thái giúp người dân và doanh nghiệp hiểu, tích cực tham gia..." - ông Trường khẳng định.