"Chúa đảo" Tuần Châu nói dự án đại lộ ven sông Sài Gòn chỉ là ý tưởng. Ảnh: Lê Quân.
Ông Đào Hồng Tuyển cho biết dự án đại lộ ven sông Sài Gòn là dự án mà ông rất tâm huyết, muốn đóng góp một phần công sức của mình cho sự phát triển của đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Những gì mà Tập đoàn Tuần Châu trình trong thời gian qua chỉ mới là ý tưởng ban đầu.
"Chúa đảo" Tuần Châu nói mọi dự án đều làm theo quy định của pháp luật, dự án này cũng không phải là ngoại lệ.
'Đấu thầu hay chỉ định thầu không phải vấn đề của tôi'“Việc đấu thầu rộng rãi công khai, hay chỉ định thầu với dự án này cũng không phải vấn đề của tôi. Dù đây là ý tưởng tôi đưa ra, nhưng ai làm đi nữa cũng phải mang lại giá trị thiết thực, góp phần phát triển đô thị và đời sống nhân dân ở TP.HCM.
Điều đó quan trọng hơn cả. Bản thân tôi làm dự án này trước hết với tinh thần yêu nước, nên những dư luận trái chiều tôi không mấy bận tâm", ông Tuyển nói.
Trước đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã có ý kiến về dự án đại lộ ven sông ở TP.HCM do Tập đoàn Tuần Châu đề xuất. Theo quan điểm của Bộ, dự án không thuộc cơ chế chỉ định thầu, do đó đề nghị tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo dự án minh bạch và có hiệu quả kinh tế.
'Vấn đề đang bị đẩy xa hơn ý tưởng của tôi'Một vấn đề khiến Bộ Kế hoạch - Đầu tư lo ngại là khoản tiền ngân sách rất lớn mà nhà đầu tư xin ứng trước giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, nhà đầu tư đề xuất được phân bổ chi phí giải phóng mặt bằng, xây lắp, tư vấn dự phòng, với tổng giá trị 57.568 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí lãi vay của nhà đầu tư).
Đề xuất này không phù hợp với quy định hiện hành, bởi vốn Nhà nước chỉ tham gia thực hiện dự án dưới dạng vốn hỗ trợ xây dựng công trình, dự án do bộ, ngành và UBND cấp tỉnh đề xuất, hoặc dự án thuộc đối tượng sử dụng vốn vay ODA, vốn ưu đãi của nước ngoài.
Hơn nữa, các dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Khi được hỏi về để xuất vốn, ông Tuyển nói rằng: “Tôi xin nhắc lại đây chỉ là ý tưởng, và từ ý tưởng đến thực thi còn phải căn cứ nhiều yếu tố.
Nếu không thực hiện theo phương án này phải tính toán lại phương án khác, nhưng ý tưởng của tôi là làm sao để phát triển được con đường, thúc đẩy tiềm năng của các quận vùng ven và đời sống nhân dân ở đó.
Tôi cũng đã cho thực hiện khảo sát chứ không phải là không có căn cứ. Vấn đề đang bị đẩy xa hơn so với ý tưởng của tôi”.
Rất đáng nghi ngờ
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng đây là ý tưởng thiết thực và sáng tạo,nhưng cần phải xem xét kỹ. Đặc biệt, phương án đổi đất lấy họ tầng cần phải tính toán sao cho hợp lý; chú ý phân kỳ đầu tư ra sao nếu như quỹ đất hoán đổi được nhà đầu tư thực hiện.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng: “Trong bối cảnh không gian hai bên bờ sông Sài Gòn đang trở nên 'cục bộ hóa' cho những dự án cao tầng thì đại lộ ven sông như là một giải pháp tốt để mở ra khong gian đại chúng.
Tuy nhiên dự án này quy mô quá lớn, mức độ giải phóng mặt bằng khổng lồ thì cần nhiều nguồn lực hơn là một nhà đầu tư triển khai”.
Đưa ra ý kiến trái chiều, Tiến sĩ Kinh tế Hồ Ngọc Minh, Đại học quốc tế Hồng Bàng, nói dự án đã được nhắc tới gần một năm nay nhưng vẫn chỉ trên giấy tờ.
"Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng rất đáng nghi ngờ. Vì khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải chứng minh được năng lực tài chính của mình. Chủ đầu tư phải có đủ 630.500 tỷ đồng gửi vào ngân hàng để chứng minh khả năng tài chính", ông Minh nói.
Không thể đề xuất rồi để đóThời gian hoàn thành dự án trong bao nhiêu năm, việc giao đất để thực hiện dự án là đất như thế nào, giá trị về khu đất được giao cũng là điều được các chuyên gia lưu ý. Ngoài ra, công trình thực hiện xong có thu phí người dân hay không, nếu thu phí thì thu trong bao lâu?… Việc thực hiện siêu dự án cần phải được chứng minh chi tiết, rõ ràng chứ không thể đề xuất rồi để đó.
Tiến sĩ Phạm Sanh nêu quan ngại về tình hình giao thông nếu dự án được triển khai. Theo ông Sanh, không ai đầu tư đại lộ dẫn xe đổ trực tiếp vào trung tâm như đề xuất, vì nó sẽ gây ra ách tắc giao thông trầm trọng hơn cho khu vực trung tâm.
“Đơn vị đề xuất phải có nghiên cứu bài bản cả về quy hoạch đô thị lẫn quy mô, hướng tuyến. Đường hoàn toàn men theo bờ sông hay mượn đường hiện có?
Về hướng tuyến, nó có chồng lấn một phần với đường trên cao số 4 theo quy hoạch phát triển giao thông của TP.HCM đã được phê duyệt hay không?”, TS Phạm Sanh đặ câu hỏi.