Đánh cược tính mạng trong vùng sạt lở
Tình trạng sạt lở dọc bờ biển tại xã Kỳ Lợi, Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nhiều vị trí xung yếu bị sóng biển đánh tan, nước biển tràn vào nhà cửa và khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân. Tại xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) có trên 12km đường bờ biển, trong đó có hơn 4km là khu vực dân cư sinh sống với trên 3.000 nhân khẩu, tuy nhiên thời gian qua, do chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu nên tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển diễn ra với tốc độ nhanh và đang "ngoạm" dần đất ở của người dân.
Tại thôn Hải Phong (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) biển xâm thực mạnh, người dân phải dùng mọi biện pháp để kè đê, chắn sóng. Ảnh: Q.N
Đặc biệt, sau cơn bão số 10 và áp thấp nhiệt đới vừa qua đã khiến cho tình trạng sạt lở bờ biển tại xã Kỳ Lợi trở nên nghiêm trọng hơn. Hiện, phần lớn dọc bờ biển của xã Kỳ Lợi không còn nhiều rừng phòng hộ để chắn sóng, vì vậy mỗi khi có bão vào, triều cường dâng cao, sóng biển đánh trực tiếp khiến tình trạng sạt lở ngày một mạnh hơn.
Bà Trương Thị Niệm (68 tuổi, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi) đang cùng các con xây dựng tường chắn sóng. Ảnh: Q.N
Để ngăn chặn nạn xâm thực, người dân ở dọc bờ biển đã dùng bao cát làm kè, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, bà Trương Thị Niệm (68 tuổi, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi) cho biết: “Tôi sống gần đời người, sinh ra và lớn lên ở thôn này mà chưa bao giờ tôi thấy tình trạng bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng như năm nay. Đặc biệt, bão số 10 đã đánh tan ngôi nhà cùng toàn bộ hệ thống bờ kè mà chúng tôi xây dựng để chắn sóng. Sống thế này sợ lắm, bây giờ, tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là được di dời khỏi khu vực này để bảo vệ tính mạng, tài sản”.
Ông Võ Xuân Thịnh (50 tuổi, trú tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi) lo lắng nói: “Gia đình tôi sống ở đây từ bao đời, nối nghiệp ông cha làm nghề chài lưới kiếm sống. Cuộc sống thiếu trước, hụt sau. Nay, nước biển đã lấn sát bờ không biết ngôi nhà của chúng tôi còn trụ được đến bao giờ”.
Đồng tôm hàng chục tỷ bị cuốn phăng
Mặc dù cơn bão số 10 đã đi qua gần 1 tháng, nhưng hậu quả để lại với người dân Hà Tĩnh vẫn còn hết sức nặng nề. Chiều 23.10, theo ghi nhận của phóng viên báo Dân Việt, tại khu vực nuôi tôm của Công ty TNHH Grobest Hà Tĩnh ở xã Kỳ Nam và Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) vẫn chỉ là một khung cảnh hoang tàn, ngổn ngang. Một đoạn đê dài hơn 800m để bảo vệ khu vực nuôi tôm đã bị sóng biển đánh bay, đến nay vẫn chưa thể khắc phục.
Anh Mai Xuân Thuấn - quản lý tại khu vực nuôi tôm của Công ty TNHH Grobest Hà Tĩnh ở xã Kỳ Nam lắc đầu ngao ngán: “Sóng biển cao tới 6m, vô cùng dữ dội và đã phá tan hệ thống đê dài hơn 800m. Đê vỡ khiến nước biển tràn vào san bằng toàn bộ khu vực nuôi tôm. Khu vực nuôi tôm của chúng tôi có 28 hồ với khoảng 60 tấn thương phẩm, thiệt hại trên 10 tỷ đồng”.
Khu vực nuôi tôm của Công ty TNHH Grobest Hà Tĩnh ở xã Kỳ Nam và Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) bị sóng cuốn hoang tàn, ngổn ngang. Ảnh: Quỳnh Nga
“Sóng biển dữ dội tàn phá toàn bộ hệ chắn sóng nuôi tôm của chúng tôi. Thêm vào đó là tình trạng biển xâm thực diễn ra mạnh, nếu muốn khắc phục lại hệ thống kè này phải khảo sát, thiết kế lại từ đầu cần một nguồn kinh phí lớn, chúng tôi hiện đang rất khó khăn chưa thể huy động được vốn để đầu tư xây dựng lại hệ thống bờ kè” - anh Thuần nói.
Bà Nguyễn Thị Hoài Nam – Trưởng phòng Quản lý đô thị và kinh tế thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết: “Tình trạng biển xâm thực gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt là người dân khu vực ven biển xã Kỳ Nam và Kỳ Lợi, để khắc phục được tình trạng sạt lở này phải cần đến hơn 90 tỷ đồng, nguồn vốn này vượt quá khả năng của địa phương”.