Theo đánh giá của Chính phủ, hiện nay chúng ta có gần 20.000 loại quy hoạch: Từ cấp Quốc gia, cấp vùng, cấp lãnh thổ, cấp ngành, đến cấp huyện, cấp xã… Tuy nhiên do thiếu cơ chế phối hợp, thiếu quy định thống nhất về pháp lý nên các loại quy hoạch này thường bị chồng chéo.
Phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Quang Vinh)
Đơn cử như quy hoạch điện, đường, viễn thông do thiếu thống nhất nên dẫn tới tình trạng đường vừa làm xong hôm trước, hôm sau lại đào lên để thi công đường điện, đường viễn thông… gây lãng phí lớn.
Do vậy, cần thiết phải có luật quy hoạch để thống nhất quy hoạch giữa các ngành, các cấp. Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, đoàn Quảng Trị, thay đổi lớn nhất của Dự thảo Luật quy hoạch là sẽ xóa bỏ tình trạng ngành nào biết ngành đấy, hướng tới mô hình quy hoạch tích hợp.
Đại biểu Phan Ngọc Thọ, đoàn Thừa Thiên Huế cho rằng, để Luật Quy hoạch khắc phục được những bất cập trong thực tiễn hiện nay và phát huy hiệu quả, các đại biểu Quốc hội cần nêu cao trách nhiệm trong góp ý xây dựng luật, đặc biệt với những nội dung còn nhiều ý kiến khác biệt.
“Điều chỉnh Luật Quy hoạch để đảm bảo có một quy hoạch quản lý thống nhất thông suốt từ Trung ương đến địa phương, từ các ngành, các cấp. Hiện nay, chúng ta có nhiều quy hoạch, tuy nhiên để quản lý một cơ sở dữ liệu quy hoạch tập trung, thống nhất trong các ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương thì còn nhiều bất cập.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Luật Quy hoạch lần này là chúng ta phải quản lý được cơ sở dữ liệu quy hoạch đối với tất cả các lĩnh vực, với các ngành, các cấp. Đây cũng là vấn đề cần tranh luận sôi nổi để khi thông qua, khi triển khai thì có điều kiện khả thi để thực hiện”, Đại biểu Phan Ngọc Thọ nói.
Đại biểu Phan Ngọc Thọ, đoàn Thừa Thiên Huế trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.
Nhu cầu có văn bản luật điều chỉnh quy hoạch thống nhất hiện rất bức thiết, tuy nhiên, không vì vậy mà nóng vội thông qua luật khi chưa đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã quyết định hoãn thông qua Dự án Luật Quy hoạch để trình kỳ họp lần này xem xét, thông qua.
Xác định Luật Quy hoạch là luật khung, phức tạp, có nhiều nội dung liên quan đến quy định của nhiều luật hiện hành khác, nên các đại biểu cho rằng, cần có sự nghiên cứu, góp ý kỹ lưỡng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn Nghệ An.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn Nghệ An nói: “Qua nghiên cứu thì Luật Quy hoạch lần này đã là kỳ thứ 3 được Quốc hội quan tâm. Qua tìm hiểu, tôi biết rằng Luật Quy hoạch có rất nhiều các Dự án luật kèm theo. Nếu thông qua thì đòi hỏi phải sửa 25 Dự án luật khác.
Tôi rất đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chúng ta không thể chờ được nữa, đến thời điểm này sau khi đã làm chín, xử lý nhiều thông tin, chúng ta có cơ hội để thông qua được Dự án Luật lần này.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng số quy hoạch các cấp của Việt Nam là gần 19.300. Tuy nhiên, khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, dự kiến con số này sẽ giảm xuống khoảng một nửa.