Trước phát ngôn mới đây của ca sĩ Thanh Lam: " Miền Nam nhiều ca sĩ chẳng học hành gì vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Tôi đặt dấu hỏi về điều này", một số nghệ sĩ đã lên tiếng vì cảm thấy bị đụng chạm.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nhạc sĩ Nguyễn Hà cho rằng việc "đặt dấu hỏi" về hiện tượng nhiều ca sĩ miền Nam không học hành vẫn thành công của Thanh Lam là tiêu cực. Ca sĩ Nguyên Vũ, Quách Tuấn Du, Lâm Khánh Chi cũng lên tiếng trên báo chí thể hiện thái độ không đồng tình về ý kiến có phần chủ quan của nữ ca sĩ…
Trước những ồn ào, xoay quanh phát ngôn của ca sĩ Thanh Lam, nhiều độc giả của báo Dân trí cũng bày tỏ thái độ.
Ca sĩ Thanh Lam.
“Tại sao lại lồng lộn vì câu nói để nền âm nhạc tốt hơn?”
Độc giả Thanh Bình đồng tình với quan điểm của Diva: “Thanh Lam nói đúng dù hơi thẳng thừng và chạm đến "điểm yếu" của nhiều ca sĩ dạng đó. Hãy đừng làm "méo mó" nghệ thuật và để phát huy được những giá trị văn hóa, nét đẹp trong giọng hát, diễn tả ca từ thì phải Học, Học và được Học. Dù có giọng tốt nhưng không học thanh nhạc, nhạc lý, phong cách biểu diễn khoa học được đúc kết và mài dũa thì sẽ "nhố nhăng, thô kệch, lãng phí" chất giọng và chệch hướng năng khiếu.
Đừng tưởng có giọng hát hay là hát được, ví dụ biết múa mà không học hành bài bản thì không thể "thể hiện ngôn ngữ" của cơ thể, động tác và người xem sẽ chẳng cảm nhận được cái đẹp.
Gần đây một số người chưa từng được đào tạo hay không chịu đào tạo mà chấm thi ca hát thì biết gì chấm nhỉ ? Chấm chất giọng, uốn éo hay chấm "chất giọng và trình độ biểu diễn"?
Hãy nghe các ca sĩ gạo cội như Thu Hiền và một số ca sĩ học hành bài bản và cảm nhận cái "thô" không có âm hay hồn của các ca sĩ "hát như kaoraoke" thì sẽ nhận ra ĐVH hát chẳng ra gì so với nhiều ca sĩ trẻ dù có nhiều fan, rè, thô và không có âm sắc, thậm chí không thể "tròn âm, rõ chữ" đấy. Đó cũng là lý do hàng trăm ca khúc "mì ăn liền" với ca từ nhảm nhí, vớ vẩn, ngớ ngẩn ra đời vẫn được bạn trẻ đón nhận, hồ hởi được vài bữa là "chết" tươi””.
Phát ngôn gây tranh cãi của ca sĩ Thanh Lam.
Đồng tình với ý kiến của độc giả Thanh Bình, độc giả Nguyễn Văn An khẳng định: “Phát biểu của Thanh Lam là một thực tế không phải bàn cãi”. Độc giả Trần Bích Thủy cũng cho rằng: “Ngưòi biết điểm mạnh của ta là kẻ thù của ta, người biết điểm yếu của ta là bạn của ta, người chỉ cho ta điểm yếu cần khắc phục là thầy cuả ta. Vậy tại sao lại lồng lộn lên vì một người có kinh nghiệm, có chuyên môn nói ra những điều đúng để nền âm nhạc tốt hơn lên.”
“Thanh Lam là người thẳng thắn, đó là những suy nghĩ xâu chuỗi cả quá trình học tập, rèn luyện & cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Ca sĩ, nghệ sĩ hãy tự suy ngẫm về mình chứ đừng " có tật giật mình"như vậy!”, độc giả Thanh Thức nhìn nhận.
Độc giả Phạm Trung lại đưa ra góc nhìn riêng: “Thanh Lam nói cũng đúng, một số ca sĩ không qua trường lớp nhưng biết chiêu trò có mấy bài hay nổi rồi được lăng xê lên chứ thật ra nghe chối tai lắm . Những ca sĩ này đi thi thì bị loại từ vòng gửi xe , nhưng tại sao họ nổi tiếng? Một phần do khán giả quá dễ dãi , một phần họ được truyền thông lăng xê và các chiêu trò thôi. Còn nói như ĐVH nhiều ca sĩ như Khánh Ly, Thanh Tuyền, Chế Linh… không học hành vẫn nổi tiếng cũng đúng. Nhưng những người này họ có tài năng thiên bẩm, họ nổi bằng khả năng chứ không chiêu trò .
Còn về Thanh Lam là ca sĩ đã qua trường lớp là người có giọng hát đẹp khỏe nhưng nhiều khi tự mình làm mới các ca khúc 1 cách… khiến người nghe thấy mất hay. Tóm lại, hãy làm cho âm nhạc Việt trong sáng sâu lắng bằng chính tài năng của mình chứ không bằng chiêu trò cũng không nên áp đặt cái tôi”.
Độc giả Lý Minh thì lại cho rằng Thanh Lam có phần khắt khe: “Ca sĩ hát chỉ cần chạm đến trái tim khán giả là thành công rồi, khán giả đâu phải ai cũng đủ trình độ để biết đúng nốt này nốt kia rồi " sạch sẽ", "văn minh" như Lam đâu. Nói thật đôi khi nghe mấy bạn hát ở đường phố còn thấy hay mà Lam!”
Độc giả Đỗ Thị Quyền thì cho rằng Thanh Lam “đừng phê phán đưa lên công luận hay mạng xã hội, nếu thẳng thắn hãy góp ý, phê bình trực tiếp tới người đó…”
Ca sĩ “chẳng học hành gì” vẫn có thể thành công
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng nhiều ca sĩ không được được đào tạo chuyên nghiệp tại trường lớp nhưng vẫn có thể thành công.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
“Thực tế đã chứng minh, thế hệ tân nhạc của Việt Nam như Lệ Thu, Khánh Ly… gần như không học nhạc nhưng vẫn là những cái tên khó ai có thể vượt qua. Cẩm Vân, Hồng Nhung, Thu Minh, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn… là những ví dụ cho việc thành công nhưng họ không phải dân học thanh nhạc bài bản”, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nói.
Cũng theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, kỹ thuật thanh nhạc rất quan trọng đối với người làm nghề ca hát chuyên nghiệp, nhưng về bản chất kỹ thuật chỉ là phương tiện để truyền tải giọng hát và cảm xúc.
“Ca sĩ muốn thành công, muốn chạm tới trái tim khán giả thì không nên lạm dụng kỹ thuật thanh nhạc mà phải biến kỹ thuật đó trở thành bản năng ý thức. Ví dụ như Whitney Houston, Mariah Carey, Celine Dion…, họ rất giỏi trong việc hát không bị lộ kỹ thuật”, anh nói.
Tuy nhiên, theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, anh đồng tình với ca sĩ Thanh Lam về quan điểm nghệ sĩ không nên chỉ chạy theo, chiều theo số đông khán giả. “Nghệ thuật có ý nghĩa khi phục vụ công chúng và được công chúng đón nhận. Nhưng nếu chỉ chạy theo, chiều theo thị hiếu số đông khán giả thì người nghệ sĩ vẫn chưa làm tròn trách nhiệm, lương tâm của chính mình. Người nghệ sĩ không chỉ nên vươn đến những điều tích cực mà còn nên hướng khán giả đến những điều tích cực, thẩm mỹ hơn”, anh nói.