Sáng 25.10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về thành phố thông minh 2017 diễn ra tại TP.HCM.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồ Văn
Trong bài phát biểu, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thể hiện sự mến khách khi mở lời: “Các bạn nước ngoài dự hội nghị, nếu có thời gian hãy đi thăm TP.HCM, nói chuyện với người dân thành phố, ăn món ăn của thành phố… để khi về nước các bạn nhớ và quay lại với chúng tôi”.
Theo ông Nhân, Nghị quyết số 16 ngày 10.8.2012 của Bộ Chính trị đã định hướng “Xây dựng TP.HCM, văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á”. Tuy nhiên, đến nay tốc độ phát triển đô thị của TP.HCM vẫn còn chậm và khoảng cách “hiện đại hóa đô thị” so với các thành phố trong khu vực vẫn còn rất lớn.
Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam (áo đỏ) đang giới thiệu các phần mềm ứng dụng thông minh với Bí Thư Thành ủy. Ảnh: Hồ Văn
Với khát vọng của một thành phố năng động, TP.HCM luôn kỳ vọng sẽ đạt được những bước phát triển đột phá để vươn lên sánh ngang tầm với các thành phố lớn của các quốc gia trong khu vực.
Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố đã và đang tổ chức xây dựng Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh và xác định đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đề án này sẽ hướng đến bốn mục tiêu: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế và hướng đến kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, quản trị đô thị hiệu quả, tăng cường sự tham gia quản lý của người dân - phát huy trí tuệ nhân dân. Đồng thời được xây dựng trên 4 nguyên tắc đó là: Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; luôn thấu hiểu người dân; công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; và huy động mọi nguồn lực tham gia.
Bí thư Nhân trao đổi với các chuyên gia nước ngoài tại Hội nghị. Ảnh: Hồ Văn
“Muốn thực hiện được đô thị thông minh phải ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển đô thị một cách hiệu quả hơn, như dân số đô thị tăng, hạ tầng lạc hậu, quá tải, đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng... Đặc biệt, việc quản lý thành phố lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo, phải thấy trước vấn đề khó khăn của thành phố và ngăn chặn không để xảy ra ách tắc, đảm bảo phát triển bền vững”, Bí thư Nhân nói.
Ông Nhân cũng gửi gắm mong muốn các đại biểu, chuyên gia ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm giúp TP.HCM xây dựng thành phố thông minh như mục tiêu đề ra.
Theo chương trình, Hội nghị diễn ra trong ngày với hơn 450 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, TP.HCM, các tỉnh, thành tại Việt Nam, các vị khách quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia..., đại diện các doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực điện, nước, giao thông, môi trường, tài chính, y tế…, đại diện các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam và thế giới.
Trong những năm gần đây, cộng hưởng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, số lượng các thành phố triển khai xây dựng đô thị thông minh ngày càng tăng. Các quốc gia/thành phố đang triển khai xây dựng đô thị thông minh tiêu biểu hiện nay có thể kể đến gồm Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu... Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, sự phát triển của TP.HCM không thể nằm ngoài xu hướng tiếp cận này.