Thế nhưng, khi nhìn lại thì có thể nhận thấy rõ một điều, có rất ít chính sách đi được vào cuộc sống và được áp dụng trong thực tiễn sản xuất, cũng như phát triển nông thôn. Thậm chí, có nhiều chính sách mới ban hành chưa lâu đã chuẩn bị rục rịch… sửa.
Đơn cử như các Quyết định (QĐ) 491 về tiêu chí quốc gia NTM và QĐ 800 về Chương trình mục tiêu quốc gia NTM mới được ban hành chưa đầy 2 năm, nhiều địa phương đã đồng loạt lên tiếng là có nhiều điểm không phù hợp, cần phải sửa đổi và chính Bộ NNPTNT cũng phải nhìn nhận lại vấn đề này khi giao cho các cơ quan thuộc Bộ nhanh chóng nghiên cứu sửa đổi QĐ để trình Chính phủ. Hay như QĐ 63 về hỗ trợ mua sắm máy móc giảm tổn thất sau thu hoạch ban hành ra đã hơn 1 năm nay, nhưng chẳng có người dân nào mua được máy.
Vì sao những QĐ vừa mới ban hành đã cứ hết sửa, rồi đến bổ sung, điều chỉnh? Ở đây không thể đổ lỗi cho Chính phủ là cơ quan ban hành các QĐ này được, bởi Chính phủ chỉ ký QĐ dựa trên những văn bản mà các cơ quan tham mưu trình, cụ thể đối với mấy QĐ trên đây là của Bộ NNPTNT. Nhưng đến khi cần sửa QĐ, cũng chính Bộ NNPTNT lại là cơ quan đề nghị Chính phủ ban hành QĐ sửa đổi.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc các chính sách ban hành “chưa ráo mực” đã phải sửa. Lỗi hay nói đúng hơn là trách nhiệm ở đây chính là các cơ quan tham mưu, xây dựng chính sách. Thông thường một chính sách để được ban hành phải làm dự thảo rồi đưa ra lấy ý kiến nhiều lần trước khi được trình lên Chính phủ. Đối với những chính sách về nông nghiệp, nông thôn gần đây tuy có đưa ra dự thảo, lấy ý kiến, song có rất nhiều chính sách chỉ được lấy ý kiến ở những cuộc họp nội bộ, thậm chí là họp… kín.
Có những chính sách khi đang ban hành hoặc ở trên dự thảo, các cơ quan báo chí đã “xin” đăng tải, rồi lấy ý kiến… hộ, nhưng đơn vị xây dựng chính sách lại thường từ chối vì cho rằng, chính sách đang trong giai đoạn dự thảo, có nhiều điểm nhạy cảm, để… ban hành xong, rồi đăng tải cũng được.
Phân tích những điều trên đây để thấy rõ một vấn đề, đó là ngay từ khi bắt đầu xây dựng, dự thảo các chính sách QĐ, nhất định chính sách đó phải được đưa ra công khai để lấy ý kiến của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là ở cấp địa phương, nơi trực tiếp thực hiện các chính sách đó và cũng không thể thiếu ý kiến của người dân.
Nếu không thay đổi tư duy làm chính sách thì dù chính sách ban hành ra, hoặc sửa đổi, có hay đến mấy cũng không thực hiện được.
Lê Hân